Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Phụ nữ DTTS khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Ngọc Thu - 23:42, 25/10/2023

Những năm qua, chị em phụ nữ DTTS ở Gia Lai đã biết tận dụng nguồn tài nguyên bản địa như dệt thổ cẩm, đan lát, các nghề truyền thống, chuỗi liên kết làng du lịch cộng đồng… để khởi nghiệp thành công. Qua đó, phụ nữ làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của mình trong xã hội.

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa giúp phụ nữ DTTS ở Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thêm thu nhập, góp phần bảo tồn nghề truyền thống của người Gia Rai
Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa giúp phụ nữ DTTS ở Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thêm thu nhập, góp phần bảo tồn nghề truyền thống của người Gia Rai

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Một trong những niềm tự hào của hệ sinh thái khởi nghiệp bản địa của Gia Lai đó là Dự án “Làng văn hóa du lịch Gia Rai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của chị H'Uyên Niê (làng Ia Lốk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã vinh dự đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức.

Dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông”, huyện Chư Păh, mang đậm tính nhân văn, nhạy bén trong tư duy khi dựa vào di sản để phát triển du lịch. Chị H'Uyên chia sẻ: “Vùng đồng bào DTTS huyện Chư Păh hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá như: cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú, không gian kiến trúc, ẩm thực độc đáo... 

Đặc biệt, thế mạnh khi triển khai ý tưởng này chính là dựa vào sức mạnh cộng đồng. Đây cũng là điều tôi hướng đến phục vụ cộng đồng nơi này để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo thêm điểm nhấn cho du lịch văn hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng nghĩa với đó là giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ, giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm ăn, thoát nghèo. Đồng thời, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Thu hoạch lúa rẫy của người Gia Rai là một trong những hoạt động trải nghiệm tại “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông”, huyện Chư Păh
Thu hoạch lúa rẫy của người Gia Rai là một trong những hoạt động trải nghiệm tại “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông”, huyện Chư Păh

Ý tưởng của chị H'Uyên được triển khai trong thực tế một thời gian với tour trải nghiệm đầy cảm xúc. Với vai trò là Chủ nhiệm Tổ liên kết “Đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” xã Ia Mơ Nông, chị Niê đã kết nối để tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn nghề truyền thống của người Gia Rai. 

Du khách đến làng được cung cấp các dịch vụ ẩm thực truyền thống, sản phẩm mây, tre thủ công hay thổ cẩm tinh xảo của nghệ nhân và còn có dịch vụ lưu trú Homestay cho du khách. Chỉ tính riêng trong 1 tháng, đã có gần 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. 

Ngoài ra, còn có 2 dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa của Gia Lai cũng xuất sắc lọt vào vòng bán kết cấp vùng miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 - 2023, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức. Trong đó, Dự án “Rượu cần Đak Giang - Đặc sản văn hóa của người Ba Na” của nhóm chị Đinh Thị Đách (xã Đông, huyện Kbang) được trao chứng nhận giải thưởng lâm sản ngoài gỗ (NTFP).

“Rượu cần Đak Giang - Đặc sản văn hóa của người Ba Na” là dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa sáng tạo, thiết thực của nhóm chị Đinh Thị Đách (xã Đông, huyện Kbang)
“Rượu cần Đak Giang - Đặc sản văn hóa của người Ba Na” là dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa sáng tạo, thiết thực của nhóm chị Đinh Thị Đách (xã Đông, huyện Kbang)

“Trước đây, phụ nữ Ba Na chỉ xem rượu cần như một thức uống cần có trong các dịp lễ hội chứ không phải sản phẩm hàng hóa. Còn bây giờ, tư duy đã hoàn toàn thay đổi, nhiều chị em muốn xin vào nhóm khởi nghiệp để liên kết phát triển thương hiệu rượu cần truyền thống. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của hoạt động khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS. 

Hoạt động khởi nghiệp đã tạo sức sống mới cho các sản phẩm địa phương như rượu cần Đak Giang. Trong năm 2022, nhóm đã bán được 600 bình rượu cần, mỗi bình giá từ 200 - 400 ngàn đồng. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết thì thu nhập cũng khoảng 3 - 4 triệu đồng/thành viên. Từ đó giúp phụ nữ DTTS nơi đây biết tận dụng nghề truyền thống để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, chị Đách cho hay.

Có thể nói, các dự án trên minh chứng cho kết quả quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Gia Lai. Trong hệ sinh thái đó, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa dần khẳng định vị trí.

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Hiện nay, để thúc đẩy phụ nữ đặc biệt là phụ nữ DTTS khởi nghiệp, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Là đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Đề án  939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN Gia Lai phấn đấu hỗ trợ ít nhất 500 chị em phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hàng năm, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” được Hội LHPN tỉnh Gia Lai phát động đã thu hút được hàng trăm dự án tham gia từ 17 huyện, thị, thành Hội. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh tiếp tục mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho những hội viên phụ nữ có ý tưởng/mô hình khởi nghiệp.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tiếp thêm các nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ vươn lên và khởi nghiệp thành công như: Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã giúp xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hay như thực hiện Dự án 3 thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Gia Lai đã đã tổ chức 7 hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm và hội nghị thu hút đầu tư; 5 lớp tập huấn và tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) (áo dài xanh) cùng các đại biểu tham quan các gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ
Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) (áo dài xanh) cùng các đại biểu tham quan các gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh điểm của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Với địa hình vùng núi và có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, phụ nữ có nhiều nguy cơ di cư mất an toàn, bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động mua bán người. Do đó, Trung tâm Phát triển phụ nữ tổ chức giao lưu kết nối các gian hàng tại Gia Lai, giới thiệu các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đã thành công, những cách làm hay, những sản phẩm trở thành nguồn cảm hứng để chị em vận dụng khởi nghiệp.

“Khi phụ nữ tự tạo cho mình thu nhập thì sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội, vấn đề như bạo lực, lôi kéo di cư không an toàn dẫn đến bị mua bán hoàn toàn có thể giảm tránh được. Chúng tôi muốn chia sẻ những cách làm hay và kinh nghiệm quý trong khởi nghiệp. Tôi tin rằng phụ nữ có thu nhập ổn định sẽ không bị kẻ xấu lôi kéo, như đi lao động ở nước ngoài bất hợp pháp. Bên cạnh hoạt động của Dự án 8 còn có Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Từ đó, hoạt động khởi nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ở các tỉnh, thành trong cả nước, tạo động lực giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, bà Linh nhấn mạnh.