Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

PV - 00:27, 03/06/2023

Thứ sáu, ngày 2/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội với các phiên họp toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, ngày 02/6/2023
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 2/6/2023

Buổi sáng

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết  thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội); có 18 đại biểu không tán thành (bằng 3,64% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật cũng như nhiều nội dung tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhất là sự cần thiết ban hành luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật, nhất là đối với các lực lượng lao động đặc biệt, lĩnh vực đặc thù trong Công an nhân dân và tập trung thảo luận về: Thời gian công tác để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng; số lượng vị trí bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; việc bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; việc bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; về cấp bậc hàm cấp tướng đối với đơn vị mới thành lập; về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng; hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, Công nhân công an; lộ trình, thời điểm áp dụng tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất, nhất là các trường hợp tăng ngay; về quy định trường hợp đặc biệt được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam và hơn 60 tuổi đối với nữ; hiệu lực thi hành; về thẩm quyền ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm trước niên hạn, thăng quân hàm vượt cấp, kéo dài độ tuổi phục vụ.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị Bộ Công an nghiên cứu để quy định rõ hơn việc sử dụng vũ khí nhanh khi trấn áp tội phạm, hạn chế sự hy sinh, tổn thất của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ở các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận đã có 12 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, nội dung dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhất là sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh du lịch và làm việc tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Việc bổ sung quy định các loại giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; căn cứ nâng thời hạn thị thực điện tử; căn cứ bổ sung quy định mở rộng diện điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ; căn cứ nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần đánh giá, lập luận chặt chẽ hơn việc chuyển chức năng chủ trì và đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến việc nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an; bổ sung Đồn Biên phòng khu vực biên giới, cửa khẩu là cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú đối với người nước ngoài khi tạm trú tại khu vực biên giới, cửa khẩu; không áp dụng nguyên tắc mời, đón, bảo lãnh đối với khách nhập cảnh với mục đích du lịch; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật này với dự thảo Luật Căn cước để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ hai, ngày 5/6/2023: Sáng, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).