Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Hoàng Quý - 13:00, 31/05/2023

Sáng 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 vừa qua, năm 2022, trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%)…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, đó là: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (kế hoạch là 25,5 - 25,8%) và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%).

Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn…

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Dẫu vậy, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5,03%), trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm.

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Tham gia thảo luận, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp…

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cũng chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như đầu tư công triển khai chậm, tiêu dung và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều…

Theo đó, các ĐBQH đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên họp sáng nay, đã có 26 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, ý kiến của các đại biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, bám sát theo các báo cáo kinh tế xã hội và gợi ý về các nội dung trọng tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục phát biểu thêm về các vấn đề mới trong phiên họp chiều nay, 31/5. Cũng trong chiều nay, một số Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phát biểu giải trình, trao đổi một số vấn đề các ĐBQH quan tâm.