Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em - Đôi điều cha mẹ cần lưu ý

Như Ý - 17:25, 11/05/2023

Sắt là một trong những vi chất có vai trò quan trọng với trẻ nhỏ. Hoạt chất này tham gia vào việc tái tạo hồng cầu, vận chuyển Oxy đến toàn cơ thể. Thiếu hụt sắt sẽ khiến cơ thể trẻ phải đối mặt với các vấn đề như da xanh xao, nhợt nhạt, chậm phát triển, hệ miễn dịch suy giảm… Vì thế cha mẹ cần lưu ý một số thông tin sau để giúp con khỏe mạnh toàn diện.

(Tổng hợp) Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em-Đôi điều cha mẹ cần lưu ý

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột.

Một nguyên nhân nữa cũng hay gặp là do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày - tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)…

Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động, kém ăn, ăn không ngon miệng là dấu hiệu thiếu máu. Ảnh minh họa.
Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động, kém ăn, ăn không ngon miệng là dấu hiệu thiếu máu. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ

Khi trẻ thiếu máu thiếu sắt thường xanh xao, đặc điểm rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt. Các biểu hiện kèm theo tùy mức độ nặng của bệnh.

Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động, kém ăn, ăn không ngon miệng. Trẻ có biểu hiện chậm phát triển thể chất và thường bị rối loạn tiêu hoá.

Trẻ có biểu hiện giảm chức năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Trẻ ở lứa tuổi đi học thường có biểu hiện học kém do không tập trung.

Ngoài ra, có thể teo niêm mạc và mất gai lưỡi làm trẻ khó nuốt; móng bẹt, dễ gãy, móng tay móng chân nhợt nhạt, có khía và tim đập nhanh.

(Tổng hợp) Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em-Đôi điều cha mẹ cần lưu ý 2

Hậu quả khi thiếu máu do thiếu sắt

Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể bao gồm: ảnh hưởng hệ tiêu hóa như chán ăn, chậm phát triển, chậm lên cân.

Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương: trẻ kích thích, mệt mỏi, kém hoạt động, chậm phát triển tinh thần vận động, giảm nhận thức, giảm sức học…

Ảnh hưởng hệ thống tim mạch: làm nhịp tim nhanh, tim to, suy tim

Ảnh hưởng hệ thống cơ xương: giảm khả năng luyện tập, giảm bền bỉ trong làm việc, thay đổi khoang xương sọ trong phim X-quang

Ảnh hưởng hệ thống miễn dịch: tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp

Biến đổi ở tế bào: tế bào hồng cầu như giảm đời sống hồng cầu, tăng tự tan máu, tạo hồng cầu không hiệu quả...

(Tổng hợp) Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em-Đôi điều cha mẹ cần lưu ý 3

Các biện pháp phòng và điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt

Để phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt cần nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.

Thực hiện bổ sung chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin.

Không uống trà, cà phê ngay sau ăn làm giảm hấp thu sắt.

Xổ giun định kỳ hàng năm cho trẻ em trên 12 tháng tuổi.

Trong việc điều trị căn bệnh này, tùy vào từng trường hợp các bác sĩ sẽ cho trẻ bổ sung sắt qua đường uống, cụ thể chế phẩm sắt Sulfat sắt, Gluconat sắt. Tiêm bổ sung trong trường hợp trẻ không thể uống hoặc không hấp thụ được. Truyền máu sẽ được chỉ định trong một số trường hợp.

Đối với trẻ mắc bệnh mạn tính dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, sẽ được điều trị các nguyên nhân kiểm soát bệnh và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.

Khi trẻ thiếu máu, thiếu sắt cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn cho trẻ. Những thực phẩm cần tránh nhằm giảm hấp thụ sắt, cụ thể: Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt không nên ăn thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, các loại hạt và chuối. Vì canxi sẽ làm cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng này.

(Tổng hợp) Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em-Đôi điều cha mẹ cần lưu ý 4

Thức ăn chứa Gluten có nhiều trong mì ống, các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch… cũng được khuyến cáo nên tránh dùng cho trẻ bị thiếu máu. Các thực phẩm trên có thể làm nặng thêm tình trạng này, làm tổn hại đến thành ruột, cản trở sự hấp thụ sắt và axit folic - hai chất cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu.

Thực phẩm có chứa Phytate hoặc Acid Phytic như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt cũng được khuyến cáo nên tránh, vì liên kết với sắt có trong đường tiêu hóa, ngăn sự hấp thụ của nó.

Cha mẹ cần lưu ý tăng cường các thực phẩm giàu sắt cho trẻ, trong đó ưu tiên các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như: Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò; Trai, sò, hàu; Thịt bò và thịt gà… cũng là một nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú. Ngoài ra, các loại rau có lá màu xanh đậm như: Rau muống, cải bó xôi, rau ngót… cũng giàu sắt.

Để hấp thụ sắt tốt hơn, cha mẹ cần cho trẻ ăn kết hợp các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C.

Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa sắt và các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

(Tổng hợp) Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em-Đôi điều cha mẹ cần lưu ý 5

Ngoài ra, có một số món ăn cung cấp chất sắt dồi dào mà bạn có thể tham khảo và áp dụng như: 

Cháo gạo nếp gan lợn, canh gà hầm tam thất, chè đậu xanh táo đỏ, canh củ cải trắng nấu cùng sườn non, canh nghêu nấu với bầu, canh hẹ kết hợp với mướp, canh gà tiêu cay nấu cùng bí đao, canh lá lách nấu với cải cúc, canh nấm nấu cùng gừng, canh thịt nạc băm và rau dền... Những món ăn này không những phù hợp cho những người mới khỏi bệnh, mà còn là món ăn bổ huyết hoàn hảo cho trẻ em và cả bà bầu.

Chú ý

Để cơ thể hấp thụ chất sắt tối đa từ các món ăn, không uống cà phê hay trà khi ăn vì chúng chứa các Polyphenol làm cản trở quá trình hấp thu sắt.

Không nên ăn những món ăn bổ máu cùng lúc với các thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng khác gây ức chế sắt, làm giảm sự hấp thụ sắt như: sữa (có Canxi), ngũ cốc (có Phytates), đậu nành và rau chân vịt (có Oxalate).

Nên sử dụng thức ăn bổ máu với những thực phẩm giàu Vitamin C (bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, quýt, cà chua…) và thực phẩm có nhiều protein, đặc biệt là Protein động vật để tăng cường hấp thu sắt.

Tình trạng thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn Vitamin quan trọng này.

Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Tuyệt đối cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc bổ sung sắt và Vitamin tổng hợp có chứa sắt khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.