Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý

Như Ý - 17:35, 17/04/2023

Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, hoàn toàn có thể chữa khỏi căn bệnh này. Để cơ thể được hồi phục nhanh, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thì chế độ dinh dưỡng khoa học, đúng cách giúp tăng cường sức đề kháng của người bệnh cũng là một yếu tố quan trọng để nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh này.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp, thường gặp chủ yếu ở người già, trẻ em, hoặc ở những người có hệ miễn dịch và hô hấp suy yếu. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi chẳng may bạn hít phải yếu tố gây hại từ môi trường: Vi sinh vật gây bệnh, khói bụi, khói thuốc lá, không khí lạnh... Những yếu tố này xâm nhập qua đường thở và gây nên những tổn thương tại các túi khí của phổi, dẫn đến các triệu chứng của căn bệnh này.

Triệu chứng ban đầu của bệnh rất nhẹ, âm thầm và không có dấu hiệu điển hình. Các dấu hiệu chỉ bao gồm sốt nhẹ, ớn lạnh, ho ít và dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Khi viêm tiến triển nặng hơn, các triệu chứng ho, sốt cao, khó thở… cũng rõ rệt hơn.

Để điều trị viêm phổi tốt nhất, ngoài kháng sinh và dùng thuốc làm giảm triệu chứng thì miễn dịch cơ thể, sức đề kháng và sức khỏe tổng thể đóng góp vai trò không nhỏ. Trong đó, bổ sung thực phẩm giàu chất chống Oxy hóa tự nhiên và hợp chất Polyphenol giúp giảm các dấu hiệu viêm; tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng là rất cần thiết.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 1

Thực phẩm tốt nhất cho người bệnh viêm phổi

Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A có vai trò quan trọng để tăng sức đề kháng cho cơ thể và chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, trong đó có viêm phổi. Vitamin A cũng giúp bảo vệ sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp.

Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu Vitamin A như: các loại rau màu xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống, rau xà lách, rau diếp); các loại củ quả có màu đỏ, vàng (gấc, bí đỏ, hồng, xoài, đu đủ). Khi chế biến thức ăn cần cho thêm dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu Vitamin A.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 2

Bưởi: Những khoáng chất và vitamin có trong quả bưởi rất tốt trong việc đẩy lùi các tế bào ung thư ở phổi, đồng thời hạn chế được diễn biến xấu của bệnh.

Quả việt quất: chứa nhiều chất dinh dưỡng như Anthocyanin, bao gồm Malvidin, Cyanidin, Peonidin, Delphinidin và Petunidin. Anthocyanin là những sắc tố mạnh mẽ đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ mô phổi khỏi tác hại của quá trình Oxy hóa.

Chuối: là loại quả giàu Kali giúp phổi co lại và giãn ra, có thể ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp. Ngoài ra, chuối còn có thể bảo tồn chức năng phổi và còn làm giảm nguy cơ thở khò khè do hen suyễn ở trẻ em.

Lựu: Trong quả lựu chứa nhiều chất chống Oxy hóa nên rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, những chất dinh dưỡng trong lựu có thể làm chậm quá trình phát triển của khối u phổi ở người bệnh.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 3

Bí ngô: Phần thịt màu cam của bí ngô chứa nhiều hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe cho phổi. Chúng đặc biệt giàu Carotenoid, bao gồm Beta Carotene, Lutein và Zeaxanthin - tất cả đều có đặc tính chống Oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ Carotenoid trong máu cao có thể cải thiện chức năng phổi ở cả người già và trẻ.

Những người hút thuốc có thể có nồng độ chất chống Oxy hóa Carotenoid thấp hơn 25% so với những người không hút thuốc, điều này có thể gây hại cho sức khỏe phổi. Vì vậy, sử dụng những thực phẩm giàu Carotenoid như bí ngô rất tốt cho những người hút thuốc.

Cà chua: Đây là một trong những nguồn thực phẩm giàu Lycopene, một chất chống Oxy hóa Carotenoid có thể cải thiện sức khỏe của phổi. Tiêu thụ các sản phẩm cà chua được chứng minh làm giảm viêm đường thở ở những người bị bệnh hen suyễn và tăng cường chức năng phổi tốt nhất.

Thực phẩm chứa magie: Magie là 1 loại khoáng chất thường được các bác sĩ đề nghị bổ sung cho người mắc bệnh lý ở phổi. Nguyên nhân là bởi nó có thể giúp tăng dung tích phổi và tăng hiệu quả của quá trình hô hấp.

Gừng và nghệ: Các chức năng kháng viêm có trong gừng và nghệ sẽ lọc những chất ô nhiễm còn sót lại trong phổi, bổ sung lượng lớn Curcumin để loại bỏ các tế bào ung thư.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 4

Ngũ cốc nguyên hạt: Đây là nguồn bổ sung Carbohydrate - cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Không chỉ vậy, trong các hạt ngũ cốc cũng chứa hàm lượng Vitamin và khoáng chất dồi dào, giúp tăng cường bổ sung các chất này cho cơ thể. Vitamin B từ ngũ cốc nguyên hạt có vai trò sản xuất năng lượng, giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Đây cũng là nguồn cung cấp nguyên tố vi lượng Selen dồi dào, giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch và phòng chống ung thư phổi.

Các hạt ngũ cốc dinh dưỡng mà người bệnh viêm phổi nên ăn là yến mạch, gạo lứt, bắp rang, lúa mạch...

Hàu: Thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của phổi, bao gồm kẽm, Selen, Vitamin B và đồng. Những người có lượng Selen và đồng trong máu cao hơn có chức năng phổi tốt hơn. Trong khi đó, hút thuốc làm cạn kiệt một số Vitamin B, bao gồm Vitamin B12 - một chất có nhiều trong hàu. Các nghiên cứu chứng minh lượng kẽm cao hơn có thể giúp bảo vệ những người hút thuốc khỏi nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Thực phẩm giàu Protein: Ở người bệnh viêm phổi, ngay khi quá trình viêm diễn ra, thì sự tăng sinh, tái cấu trúc tế bào niêm mạc tại phổi cũng xảy ra, dẫn đến hình thành những tổ xơ hóa và để lại mô sẹo tại phổi. Do đó, bổ sung thực phẩm giàu protein có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể phục hồi và sửa chữa những mô, tế bào bị tổn thương.

Tuy nhiên, không phải nguồn đạm nào cũng tốt cho sức khỏe người bệnh. Để giúp hỗ trợ quá trình điều trị viêm phổi, người bệnh nên chọn những nguồn đạm ít chất béo bão hòa; tăng cường chất béo Omega-3 là chất chống viêm cho cơ thể. Những thực phẩm giàu đạm tốt có thể kể đến là: Thịt ức gà, đậu, thịt trắng, cá (cá hồi, cá mòi)...

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 5

Thực phẩm giàu Omega-3: Đây là loại thực phẩm giàu Axit béo tốt mà người bị viêm phổi không nên bỏ qua. Nó có tác dụng chống viêm rất mạnh mẽ. Bạn có thể nhận được lượng Omega-3 đặc biệt dồi dào trong một vài loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu,…

Cà phê: Chất Caffeine có tác dụng như một loại thuốc giãn phế quản giúp đường khí được lưu thông tốt nhất, cải thiện các triệu chứng hen suyễn. Mỗi tách cà phê vào buổi sáng sẽ giúp bạn cải thiện chức năng hô hấp hiệu quả.

Trà xanh: Trong trà có nhiều chất chống Oxy hóa và Epigallocatechin Gallate, có khả năng ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư phổi. Dùng trà xanh thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, trà xanh cũng chứa Theophylline, có thể làm giãn phế quản để cải thiện chức năng đường thở và giảm bớt chứng khó thở.

Các loại đồ uống như nước, sinh tố, sữa: Duy trì đủ nước cũng là một điều cần thiết với người bệnh viêm phổi, nhất là với những trường hợp bị sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy. Việc bổ sung đủ nước bằng các đồ uống như sinh tố, nước ép trái cây, sữa hoặc nước lọc sẽ giúp bù lại lượng nước và điện giải đã mất cho cơ thể.

Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn có tác dụng làm loãng đờm, dịch nhầy gây bít tắc đường thở, nhờ đó người bệnh có thể dễ dàng tống xuất những chất này khỏi cơ thể qua phản xạ ho. Nhưng cũng cần lưu ý, nên cho người bệnh uống đồ uống ấm nóng để làm dịu cổ họng, hạn chế bớt cơn đau thắt ngực do ho.

(Tổng hợp) Những điều người bị bệnh viêm phổi cần lưu ý 6

Thực phẩm người bệnh viêm phổi nên tránh xa

Ngoài việc ăn những thực phẩm giàu dưỡng chất, bệnh nhân viêm phổi cũng nên hạn chế tiêu thụ một số thực phẩm dưới đây:

Không nên ăn nhiều thịt đỏ bởi đây là thực phẩm được cho là có thể gây viêm hoặc làm trầm trọng tình trạng viêm vốn có.

Người bị bệnh viêm phổi cũng nên tránh ăn các món ăn có chứa nhiều dầu mỡ như các món chiên xào và một số đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn như bánh ngọt, thịt nguội, bánh ngọt, xúc xích hay các loại đồ uống có chứa nhiều đường, chất ngọt nhân tạo… Những thực phẩm này có thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn.

Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng một số chất kích thích khác khi đang trong quá trình điều trị viêm phổi.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh giúp phòng tránh viêm phổi như: Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh; Cần có thói quen đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

Đồng thời, giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng. Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

Nên bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia. Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.