Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thấy gì từ vụ việc “Mèn mén là cám lợn”?

Hồng Phúc - 14:21, 22/03/2023

Những vụ việc rất đáng lên án như “Mèn mén là cám lợn” không phải chuyện hy hữu ở mạng xã hội, nơi các cá nhân luôn phải đau đầu để tạo ra “hào quang” cho chính mình giữa hàng triệu người bằng cách xúc phạm người khác. Nhưng tiếng cười, sự giải trí được tạo nên từ việc bóp méo, làm tổn thương người DTTS là điều không thể chấp nhận.

(BÀI THỜI SỰ) Thấy gì từ vụ việc “Mèn mén là cám lợn”?
Hoàng Hường gọi mèn mén là cám lợn trong Livestream

Tháng 2/2023, bà T.T.M. (trú xã Phó Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) làm đơn gửi tới các đơn vị chức năng phản ánh việc bà Hoàng Thị Hường trong khi Livestream đã có những lời nói xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của những người dân bán hàng và làm dịch vụ hoa cho du khách thuê chụp ảnh tại Dốc Thẩm Mã ở Hà Giang. Theo đơn phản ánh, bà Hường đã gọi người kinh doanh dịch vụ ở Dốc Thẩm Mã là những người ăn xin và gọi mèn mén là cám lợn, là món ăn “giải nghiệp”.

Đáng lo ngại là những vụ việc tương tự như “Mèn mén là cám lợn” cũng không phải chuyện hiếm gặp. Tháng 9/2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với H.N.M (SN 1999), tạm trú phường 4, Tp. Đà Lạt, chủ tài khoản TikTok “H.M” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân. M. là người từng gây dậy sóng trong dư luận, cộng đồng mạng với Clip xúc phạm người miền Trung “keo kiệt, bủn xỉn”, “không có tinh thần, cống hiến cho xã hội” vào hồi đầu tháng 8/2022.

Đây cũng không phải lần đầu văn hóa của đồng bào DTTS trở thành “mồi” để câu View trên mạng xã hội. Người làm Video nhằm mục đích thu hút chú ý, thu lợi, thiếu hiểu biết về văn hóa đã lợi dụng những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào để tạo hiệu ứng ngược gây bức xúc cho dư luận để mình được biết đến nhiều hơn. Hiện nay lượng người xem Youtube rất đông, đồng bào DTTS cũng theo dõi rất nhiều, các Video có nội dung phản cảm xuất hiện tràn lan sẽ gây hệ lụy xấu, lệch chuẩn, hiểu sai về các DTTS, tạo ra khuôn mẫu kém về văn hóa.

(BÀI THỜI SỰ) Thấy gì từ vụ việc “Mèn mén là cám lợn”? 1
Mèn mén là món ăn truyền thống của người Mông

Nhưng nguyên nhân của những “trò đùa tổn thương” này cũng đến từ thói quen của một bộ phận công chúng. Lâu nay, không ít người mặc định DTTS là lạc hậu, hạn chế về nhận thức. Đây là quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Khi bộ phận công chúng còn quan niệm như vậy, còn muốn xem những thứ như vậy, thì “rác mạng” này vẫn có đất sống.

Những “nhãn dán” tiêu cực về người DTTS đã được khai thác, chế biến một cách thô thiển và tạo nên những định kiến khó chấp nhận. Điều đáng lên án là cả người sản xuất và không ít người xem đã hùa nhau giễu nhại, làm tổn thương sâu sắc một bộ phận đồng bào của chính mình.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn dân tộc, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Vấn nạn này đi ngược lại với đường lối của Đảng và Nhà nước ta - luôn luôn nhất quán quan điểm các dân tộc bình đẳng và cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và định kiến, gây chia rẽ dân tộc.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, xúc phạm văn hóa của cộng đồng dân tộc là hành vi vi phạm pháp luật. Điểm C, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có: "Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc...; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...".

(BÀI THỜI SỰ) Thấy gì từ vụ việc “Mèn mén là cám lợn”? 2
Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn. (Ảnh minh họa)

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới, với khoảng 76,95 triệu người dùng (số liệu 2022), chiếm 78,1% dân số. Có thể thấy, mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin, mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.

Từ những vụ việc như Hoàng Hường cho thấy, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã và đang bị chính người sử dụng coi nhẹ. Chính vì vậy, việc phát triển văn hóa, hành vi ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia từ cả phía các cơ quan quản lý lẫn người dân.

Những biểu hiện "lệch chuẩn", rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng. Mỗi cá nhân phải xây bộ lọc của chính mình để góp phần “làm sạch” mạng xã hội. 

Điểm C, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có: "Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc...; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...".