Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi y tế cơ sở mất vai trò “gác cổng”

PV - 09:58, 05/09/2018

Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò “gác cổng” trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhưng khi y tế cơ sở không làm tròn vai trò này thì cuộc sống của người nghèo-nhất là đồng bào DTTS, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa càng thêm chật vật.

y tế cơ sở mất vai trò gác cổng Chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện bệnh sớm cũng là một cách để đồng bào DTTS giảm nghèo. (Ảnh minh họa)

 

Đi khám bệnh vui như đi hội

Ngày 13/1/2018, Trạm Y tế xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) nhộn nhịp hơn hẳn khi Đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh tổ chức hoạt động thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Hay tin, hàng trăm người dân trong xã đã háo hức đến khám; quanh năm lam lũ lo cái mặc, cái ăn nên nhiều người không có cơ hội thăm khám sức khỏe.

Bà Xồng Y Mô, đến từ bản Pà Lõm cho hay, năm nay đã 52 tuổi nhưng đây là lần thứ hai bà mới đi khám bệnh. Lần thứ nhất cách đây cũng mấy năm, do cái đầu gối đau quá nên bà phải xuống bệnh viện huyện để khám. “Lần này, nghe Trưởng bản nói có bác sĩ dưới xuôi lên khám miễn phí nên dù xa (bản Phà Lõm cách trung tâm xã gần 30km-Pv) tôi quyết tâm đi bằng được”.

Đặc biệt hơn là trường hợp của em Vừ Bá Hùa, nhà ở bản Huồi Sơn, năm nay đã 18 tuổi nhưng cơ thể như trẻ mới lên 10. Gia đình khó khăn nên Hùa mới được đi khám sức khỏe một lần duy nhất vào năm 2003. Từ đó đến nay, mặc dù ốm yếu nhưng Hùa chưa đi khám thêm một lần nào để kiểm tra sức khỏe.

Cũng như bà Mô, em Hùa, rất nhiều trường hợp người dân ở xã Tam Hợp không có điều kiện để đến cơ sở y tế khám bệnh thường xuyên. Toàn xã có 498 hộ thì có đến 239 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48%).

Theo bà Lương Thị Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, việc người dân trên địa bàn không được chăm sóc sức khỏe ban đầu là một thực tế tồn tại lâu nay. Đời sống của người dân còn rất khó khăn; hơn nữa, xã cách trung tâm huyện hàng chục cây số, đường sá đi lại rất khó khăn nên người dân không thể thường xuyên đến bệnh viện huyện để thăm khám.

“Trạm Y tế xã cũng đã được đầu tư nhưng hiện xuống cấp; riêng phòng sản 2 năm không sử dụng được. Dù đóng vai trò quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân, nhưng như thực trạng hiện nay thì Trạm không thể đáp ứng được”, bà Đạo cho hay.

Cũng như Trạm Y tế xã Tam Hợp, hàng nghìn trạm y tế cấp xã trên cả nước hiện nay chưa “tròn vai” trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Dù đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh nhưng tình trạng trạm y tế “vắng như chùa bà Đanh” không còn là chuyện hiếm.

Tại Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã tổ chức ngày 06/7/2018, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Tuy nhiên, thực tế trạm y tế rất vắng vẻ; trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người.

Mất vai trò “gác cổng”!

Nhận định của ông Khuê càng có thêm cơ sở vững chắc khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố số liệu về tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh theo tuyến. Theo đó, nếu như năm 2014, tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm 2018 chỉ còn 18%. Điều này có nghĩa là người dân ngày càng “vượt tuyến” để khám, chữa bệnh.

Với quy định thông tuyến trong khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng vượt đường sá xa xôi để lên tuyến trên, thậm chí với những loại bệnh lý rất đơn giản. Dù không mất viện phí (được BHYT chi trả) nhưng chi phí ăn nghỉ trong thời gian điều trị cũng là một khoản không nhỏ đối với người nghèo; trong khi nếu như thăm khám ở trạm y tế xã thì không mất quá nhiều chi phí.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) lấy dẫn chứng: như một người bị bệnh tăng huyết áp điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai một tháng thì chi phí hết khoảng 1-1,5 triệu đồng; trong khi đó ở ngay tại trạm y tế xã chỉ hết khoảng 250-300 nghìn đồng và người ta vẫn đảm bảo, duy trì được thuốc uống, đảm bảo được tư vấn. Nhưng người bệnh vẫn “nói không” với trạm y tế.

Việc các trạm y tế xã không phát huy được vai trò trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đang làm lãng phí một nguồn lực không nhỏ. Cùng với nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì mỗi năm, ngân sách vẫn bảo đảm chi thường xuyên cho các Trạm Y tế xã.

Số liệu của Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ chi cho y tế xã so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân tăng từ 24,8% năm 2015 lên 25,3% năm 2016 và 30,7% năm 2017. Còn theo tính toán của các địa phương, chi lương và hành chính của trạm y tế tuyến xã đã chiếm khoảng 25% tổng chi sự nghiệp y tế.

Nhưng quan trọng hơn, khi trạm y tế không làm tròn vai trò “gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ khiến cho công tác xóa đói giảm nghèo càng thêm trầy trật. Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh tật là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói.

Vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận. Bà cho rằng, đối người nghèo nếu bị ốm thì sẽ rất khó khăn trong thoát nghèo. Nếu người cận nghèo ốm một trận thì có thể thành người nghèo, như vậy một vùng cộng đồng để nhiều bệnh tật và nghèo đói thì khó có thể phát triển được kinh tế-xã hội.

Thực tế nêu trên cho thấy, một nền y tế tốt không chỉ khám, chữa bệnh tốt, mà còn không được làm nghèo người dân thông qua chi phí khám chữa bệnh cao. Bởi vậy, y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng phải được gắn kết và tích hợp chặt chẽ trong mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Tuy nhiên, thực tế trạm y tế rất vắng vẻ; trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người”.Ông Lương Ngọc Khuê,  Cục trưởng Cục Quản lý  Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

SỸ HÀO