Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Thắp lửa” sân khấu sau mùa dịch

Hồng Phúc - 10:17, 06/07/2020

Sau thời gian “tạm nghỉ” do đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước đã bắt đầu thay đổi tư duy, tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ cho tác phẩm mình gần hơn với công chúng.

Cảnh trong vở diễn “Cây tre thần” của sân khấu Lệ Ngọc
Cảnh trong vở diễn “Cây tre thần” của sân khấu Lệ Ngọc

Hai đêm công diễn vở cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương Việt Nam vào tối 15 - 16/6 chật kín không còn một chỗ ngồi. Đặc biệt là có không ít khán giả trẻ tới rạp. Vở diễn được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản, soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. 

Nội dung câu chuyện xoay quanh tổ trinh sát đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Những chiến sĩ công an luôn phải đối diện với những hiểm nguy về tính mạng và cả những cám dỗ vật chất ngay trong chính bản thân mình. 

Đây là lần đầu tiên Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng vở diễn về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân CAND và tham gia liên hoan. Vở diễn nhận được sự phản hồi của khán giả về sự mới mẻ, hấp dẫn từ đề tài mang hơi thở đời sống cho đến thể hiện. 

Một đơn vị sân khấu xã hội hóa của Thủ đô là Sân khấu Lệ Ngọc cũng ngay lập tức biểu diễn trở lại bằng các vở “Thị Nở - Chí Phèo”, “Cây tre thần”, “Hoa sen lửa”. Không chỉ vậy, sau hơn 1 tháng sáng đèn Thủ đô vừa qua, sân khấu Lệ Ngọc còn tự tin mang 3 vở diễn này đi lưu diễn nhiều ngày ở phía Nam. Theo kế hoạch, sân khấu Lệ Ngọc sẽ biểu diễn 17 suất tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ cuối tháng 6 này. 

Không thể phủ nhận rằng, sự trở lại thành công của sân khấu Việt sau đại dịch Covid-19 là những tín hiệu vui, đầy lạc quan cho sự phát triển của sân khấu nước nhà. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và của ngành Văn hóa.

Một trong những “cú hích” lớn đối với sân khấu sau mùa giãn cách phòng, chống dịch chính là sự vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi yêu cầu 12 nhà hát trực thuộc Bộ phải đồng loạt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch. Để góp phần hỗ trợ sân khấu “hồi sinh” sau đại dịch, Bộ cũng đã có những chính sách hỗ trợ tổ chức biểu diễn một số buổi cho các nhà hát để giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt. 

Để sân khấu “sáng đèn” là một hành trình bền vững mà những khởi đầu mới mẻ như sau dịch là một bước đệm vững chắc cho các đơn vị nghệ thuật. Sự trở lại mạnh mẽ này là một tín hiệu lạc quan cho sân khấu Việt Nam.