Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ hội, nghi lễ truyền thống: Cần giữ chuẩn mực khi sân khấu hóa

HỒNG MINH - 10:28, 01/10/2019

Để bảo tồn, khôi phục các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS trong bối cảnh hội nhập, việc đưa các lễ hội, nghi lễ truyền thống lên sân khấu như cách để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội, nghi lễ. Tuy nhiên, mỗi lễ hội, nghi lễ đều mang giá trị tâm linh, vì thế việc hiểu đúng và giữ chuẩn mực khi sân khấu hóa là điều bắt buộc.

Đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, thường xuyên có mặt trong các lễ hội.
Đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, thường xuyên có mặt trong các lễ hội.

Sân khấu hóa các lễ hội, nghi lễ là việc làm khá phổ biến ở nước ta trong nhiều năm qua, khi tiến hành tổ chức, phục dựng các lễ hội văn hóa cổ truyền của dân tộc. Sân khấu hóa lễ hội, nghi lễ được hiểu nôm na là việc sử dụng những đặc trưng của nghệ thuật sân khấu-nghệ thuật dàn cảnh và biểu diễn để chuyển tải chủ đề chính của lễ hội, nghi lễ. Tuy nhiên, làm sao để việc sân khấu hóa không làm mất đi bản chất của lễ hội, nghi lễ là điều vô cùng quan trọng.

Là một thầy mo đã nhiều năm làm chủ lễ cho các lễ hội tại địa phương, ông Dương Văn Thủ, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho biết: “Tôi làm thầy cúng đến nay đã gần 50 năm. Được Nhà nước quan tâm đến việc bảo tồn các lễ hội của đồng bào các DTTS thông qua các ngày hội văn hóa, giao lưu quần chúng… thì tôi đã có dịp mang các trích đoạn nghi lễ thường diễn ra ở địa phương lên sân khấu biểu diễn, như Lễ hội Lồng Tồng. Đó là niềm vinh dự lớn lao của tôi khi được giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình đến nhiều người”. 

Trích đoạn Lễ hội Lồng Tồng (của đồng bào Tày) trên sân khấu.
Trích đoạn Lễ hội Lồng Tồng (của đồng bào Tày) trên sân khấu.

Khi được hỏi việc trình diễn các lễ hội, trích đoạn nghi lễ trên sân khấu và việc làm lễ tại địa phương có điều gì khác nhau, ông Thủ chia sẻ: “Việc biểu diễn các lễ hội, nghi lễ trên sân khấu là điều rất khó với thầy cúng như chúng tôi. Bởi lẽ, lúc đó phải cân bằng giữa việc giữ tính thiêng của nghi lễ mà vẫn bảo đảm được yếu tố sân khấu. Nguyên tắc bắt buộc khi sân khấu hóa các lễ hội, nghi lễ là trước khi biểu diễn phải làm lễ xin các thần linh tại địa phương, sau đó trong quá trình biểu diễn thầy mo không được phép đọc gia phả của thần linh, không được mời các vị thần linh trong lời cúng… Phải như thế mới không phạm húy, không mất đi tính thiêng của lễ hội”. 

Trong một hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời hiện đại, GS.TS. Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã chia sẻ về việc cồng chiêng đang bị sân khấu hóa, khi ở Hòa Bình, người ta tổ chức đánh cùng một lúc 200 cái cồng chiêng. 

Lễ hội Mường A Ma của đồng bào dân tộc Xinh Mun tái hiện trên sân khấu Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các DTTS vùng Tây Bắc 2019.
Lễ hội Mường A Ma của đồng bào dân tộc Xinh Mun tái hiện trên sân khấu Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các DTTS vùng Tây Bắc 2019.

Theo ông Loan, mỗi chiếc cồng chiêng đánh ra một âm sắc, mỗi người đánh lại mang một nét cá tính riêng, nên việc đem cả mấy trăm chiếc cồng chiêng đánh một lúc gây ảnh hưởng không tốt đến nghệ thuật cồng chiêng. Việc này cũng tương tự như việc tổ chức hát quan họ tập thể để lập kỷ lục. Tất cả những việc làm này đều đi ngược lại tinh thần của những di sản.

Việc sân khấu hóa các lễ hội, nghi lễ là điều tất yếu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Tuy nhiên, việc hài hòa giữa giữ gìn tính thiêng và nghệ thuật sân khấu luôn cần phải được bảo đảm chặt chẽ. Bởi lẽ, nếu đề cao tính sân khấu sẽ vô tình làm mất đi giá trị của lễ hội, nghi lễ đó.