Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 06:44, 28/11/2023

Vùng DTTS&MN Thanh Hóa hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn 3 lần tỷ lệ nghèo bình quân chung toàn tỉnh; riêng huyện Mường Lát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, lần lượt là 37,53% và 31,95%. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội như bất bình đẳng giới, bạo lực trong hôn nhân và gia đình; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT)... đang là những vấn đề cấp bách cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để giải quyết.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Để giảm đến mức thấp nhất, dần xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (tảo hôn và HNCHT) trong vùng DTTS, tỉnh Thanh Hóa xác định giai đoạn 2021 - 2025, thông qua nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm làm thay đổi cho được hành vi về tảo hôn và HNCHT của đồng bào.

Cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh nhằm tuyên truyền về TH&HNCHT
Cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh nhằm tuyên truyền về TH&HNCHT

Tại huyện Như Thanh, là huyện có có tỷ đồng bào DTTS chiếm 43,22%. Những năm qua, huyện đã và đang triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (tảo hôn và HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2016-2022, huyện Như Thanh đã triển khai tổ chức các hội nghị tuyên truyền, cung cấp thông tin, tập huấn từ huyện đến xã; trong đó có 14 hội nghị tập huấn cấp huyện cho gần 3.000 người tham gia; 58 hội nghị tuyên truyền cấp xã cho 3.550 người tham gia. 

Xây dựng mô hình xã điểm và 2 thôn điểm tại xã Thanh Tân; Trường THCS&THPT Như Thanh làm trường điểm. Hằng năm, đều tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại trường điểm. Tổ chức 6 buổi nói chuyện truyền thông tại các trường THPT, Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh và Trường THCS Xuân Thái. Tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quý Câu lạc bộ Phòng, chống tảo hôn tại Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh và 2 thôn điểm tại xã Thanh Tân.

Huyện đã tổ chức thành công các Hội thi như: “Thiếu nữ các dân tộc huyện Như Thanh với tảo hôn và HNCHT”; tổ chức các cuộc thi tim hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình. Tại các hội thi, cuộc thi đã tập trung tuyên truyền về tảo hôn tại các trường THPT, THCS với các hình thức sân khấu hóa như “Rung chuông vàng”, thi tìm hiểu giữa các khối học trong cùng trường; vấn đáp về Luật Hôn nhân và gia đình; xây dựng các tiểu phẩm do học sinh biểu diễn. Kết quả, đã thu hút hàng ngàn người tham gia và tạo hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường và xã hội.

Ông Phạm Hữu Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Như Thanh cho biết: Từ khi thành lập huyện đến nay, huyện Như Thanh không xảy ra trường hợp HNCHT. Đối với tảo hôn, giai đoạn 2016-2022, tổng số cặp tảo hôn giảm còn 18 cặp. Tỷ lệ tảo hôn giữa các dân tộc Thái, Mường, Kinh là ngang nhau.  Đến nay, toàn huyện chỉ có 4 cặp tảo hôn.

 Do tình trạng tảo hôn đã được giảm đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của các hộ dân, cũng như nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại các khu dân cư vùng DTTS đặc biệt khó khăn.

Truyền thông phòng chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá
Truyền thông phòng chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Năm 2023, UBND huyện Như Thanh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đối với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; giảm thiểu tình trạng tảo hôn  và HNCHT trong vùng DTTS.

Xóa bỏ hôn nhân cận huyết

Tại huyện Mường Lát, nhằm nâng cao chất lượng dân số, đẩy lùi hủ tục, trong đó có tình trạng tảo hôn và HNCHT, huyện Mường Lát đã phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đồng bào DTTS.

Điển hình đầu tháng 11/2023, UBND huyện Mường Lát đã tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS năm 2023, thuộc Tiểu dự án 2, của Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719.

Hội thi được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa, các đội trải qua 3 phần thi, gồm: phần thi chào hỏi, thi kiến thức chung; thi tiểu phẩm. Nội dung thi xoay quanh các vấn đề như: Tìm hiểu tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các giải pháp phòng, chống; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em… Hội thi lần này, là sự kiện truyền thông quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với thanh thiếu niên người đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Mường Lát đã tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Mường Lát đã tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023

Hội thi nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật hôn nhân và gia đình; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, người dân và các gia đình vùng đồng bào DTTS đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh để tránh kết hôn sớm, tích cực tuyên truyền phổ biến về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới.

Bà Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, cho biết: Đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 39% dân số toàn huyện. Nhiều năm qua, hệ lụy từ tình trạng tảo hôn khiến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng người Mông bị ảnh hưởng. UBND huyện Mường Lát đã chú trọng công tác tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật đến đồng bào. 

 Thông qua, những hình thức tuyên truyền nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, đã từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên; lồng ghép các chương trình văn nghệ, các hội thi dành cho thanh thiếu niên...

Đặc biệt là các xã, thị trấn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở trong việc bám, nắm địa bàn, đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, HNCHT, kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc HNCH, để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể, phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, năm 2022 trên địa bàn có 78/670 cặp kết hôn là tảo hôn, chiếm 11,6%; không có trường hợp HNCHT.

Để giảm đến mức thấp nhất, dần xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS, tỉnh Thanh Hóa xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025, tranh thủ nguồn phí từ Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc Thanh Hóa tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các huyện đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tập trung xây dựng các mô hình điểm về phòng chống TH&HNCHT để nhân rộng ra địa bàn toàn huyện.

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi
Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi

Giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 7 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống tảo thôn và HNCHT cho gần 1.000 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã, cấp huyện khu vực miền núi, biên giới.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như báo, đài... Biên soạn, phát hành, cấp phát 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích đến 174 xã, 21 thôn/bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Hiệu quả từ việc tổ chức các hoạt động này, đã đưa tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể. Một số huyện đã không còn tình trạng tảo hôn như: Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh. Các huyện có tỷ lệ tảo hôn thấp gồm: Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân và hầu như không còn HNCHT. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, chỉ có 01 cặp HNCHT ở huyện Mường Lát, chiếm tỷ lệ 0,007%.