Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các thôn bản ĐBKK

Quỳnh Trâm - 01:02, 17/11/2023

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc, là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch số 861/KH-BDT ngày 1/8/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719.

Tăng cường nội dung tuyên truyền chính sách pháp luật

Theo đó, tại  Dự án 10, Tiểu dự án 1 của Chương trình, với nội dung Phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS, huyện Ngọc Lặc được phân bổ tổng nguồn vốn sự nghiệp là  2 tỷ 173 triệu đồng, do Phòng Dân tộc chủ trì thực hiện.

Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng là bí thư, chi bộ, Người có uy tín...
Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng là bí thư, chi bộ, Người có uy tín...

Theo đó, với nguồn vốn chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023, huyện Ngọc Lặc đã tổ chức được 05 cuộc tập huấn, hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp cho các đối tượng là bí thư, chi bộ, Người có uy tín, và các đoàn viên thanh niên, với tổng số người tham gia 1.023 người. Cùng với đó, là việc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật khác như: cấp phát tờ rơi, căng băng rôn, phát tài liệu cho 21 xã, thị trấn.  

Với nguồn vốn năm 2023, huyện đã tổ chức Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS &MN, với 177 đại biểu chính thức và 82 đại biểu khách mời. Đồng thời, trong tháng 9 vừa qua, UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào các thôn đặc biệt khó khăn huyện Ngọc Lặc. Đối tượng tham dự là 165 đại biểu gồm: trưởng bản, bí thư chi bộ, chi đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, Người có uy tín, đại diện hộ gia đình tiêu biểu thuộc 11 thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc.

Đây là một nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch số 861/KH-BDT ngày 1/8/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa về Thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02, thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719.

Ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị
Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc và chia sẻ thông tin tại Hội nghị

Theo đó, Hội nghị đã truyền đạt về nội dung một số văn bản luật như: Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em...; đồng thời hướng dẫn một số nội dung về quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, các báo cáo viên tại Hội nghị cũng đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị đã giúp cho các đại biểu tham dự được củng cố, cập nhật, bổ sung một số kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật; đồng thời, là cơ hội để các đại biểu giao lưu, trao đổi những khó khăn vướng mắc và chia sẻ kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở. Qua đó, tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL; vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chính sách, pháp luật, chính sách dân tộc và đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đang triển khai.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Theo thông tin của Phòng Dân tộc huyện, từ đầu năm đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Ngọc Lặc đã tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền PBGDPL, trong đó có 2 hội nghị tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình... tại UBND các xã Phùng Minh và Vân Am; 5 hội nghị tuyên truyền về Luật Thanh niên, Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Luật An toàn gia thông; nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và một số nội dung về bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá điện tử tại các trường THCS: Phùng Minh, Lộc Thịnh, Kiên Thọ, Quang Trung, Ngọc Sơn, với gần 2.000 giáo viên và học sinh tham gia.

Các đại biểu đại diện cho 11 thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc tham dự hội nghị
Các đại biểu đại diện cho 11 thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc tham dự hội nghị

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thời gian qua, ngoài việc đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL từ huyện đến cơ sở từng bước được kiện toàn, huyện quan tâm chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. 

Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội zalo, feecebook, sóng phát thanh..., đây là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Qua công tác PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên, từ đó nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ trong việc chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Trong thời gian tới, Hội đồng PBGDPL huyện Ngọc Lặc đã đề ra các nhiệm vụ như: tăng cường hình thức phổ biến, tuyên truyền miệng; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng và phát huy mỗi người dân là một tuyên truyền viên pháp luật trong cộng đồng; chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, các nhà trường. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải ở cơ sở vững mạnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.