Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Thanh niên vùng DTTS và miền núi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, làm chủ cuộc sống

Quỳnh Trâm - 07:32, 07/05/2024

Từ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm qua, ở các huyện miền núi Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập ở vùng DTTS. Đặc biệt, thông qua những tấm gương này đã thôi thúc nhiều đoàn viên, thanh niên ở vùng nông thôn, vùng DTTS, miền núi vượt qua chính mình, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp để làm chủ cuộc sống.

Mô hình trồng cây mắc ca tại huyện Như Xuân được nhiều đoàn viên, thanh niên lựa chọn để khởi nghiệp
Mô hình trồng cây mắc ca tại huyện Như Xuân được nhiều đoàn viên, thanh niên lựa chọn để khởi nghiệp

Có dịp đến thăm thôn Vân Hòa, xã Cát Vân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), chúng tôi được nghe rất nhiều người khen ngợi tinh thần dám nghĩ, dám làm của chị Phạm Thị Thu.

Tốt nghiệp nghề sư phạm, ấp ủ trở về quê hương làm cô giáo, nhưng sau khi tốt nghiệp, chị Thu không xin được việc ở địa phương do không còn chỉ tiêu. Nhận thấy lợi thế tiềm năng đất đai có sẵn, chị quyết định chuyển hướng học hỏi chuyển sang làm trồng trọt. Thông qua sách báo, thấy hiệu quả từ cây mắc ca, năm 2014, gia đình Thu đã trồng thử nghiệm 1,5 ha mắc ca. Nhận thấy trồng cây mắc ca đem lại lợi nhuận cao nên từ năm 2018 đến 2023, gia đình chị tiếp tục mở rộng thêm hơn 3 ha cây mắc ca  kết hợp trồng xen chè.

Là người có trình độ nên chị Thu học hỏi và tích lũy rất nhanh được kinh nghiệm về kỹ thuật ghép cây, cắt tỉa cành hợp lý, chọn lọc giống phù hợp... do vậy, diện tích cây mắc ca của gia đình chị Thu rất phát triển và cho năng suất tốt. Không chỉ vậy, chị Thu còn hỗ trợ chuyển giao giống và kỹ thuật cho các đoàn viên, hộ nông dân khác tại địa phương có nhu cầu trồng mắc ca.

“Để lấy ngắn nuôi dài yên tâm sản suất, gia đình tôi nuôi thêm 50 bọng ong để thụ phấn cho hoa mắc ca, tạo nên thương hiệu mật ong hoa mắc ca; ngoài ra còn trồng xen thêm cây mít thái, cây dổi lấy hạt, nuôi bò sinh sản, và gia cầm các loại... Tổng thu nhập của gia đình đạt 300 triệu đồng/ năm khi đã trừ chi phí”, chị Thu cho hay.

Mô hình thành công của chị Thu không chỉ giúp gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng, mà còn trở thành tấm gương sáng cho các đoàn viên khác noi theo, tiếp nối tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Vinh danh những tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024
Vinh danh những tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024

Không chỉ có chị Thu, tại huyện Như Xuân còn có đoàn viên mạnh dạn lập nghiệp với mô hình chăn nuôi, đó là anh Nguyễn Đình Sơn, thôn Thanh Bình, xã Tân Bình. Anh Sơn là tấm gương thanh niên nghèo vượt khó tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, từ lâu, anh đã ấp ủ giấc mơ vượt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế từ chính nơi mình sinh ra. Biết đến chăn nuôi dúi và cày hương nhờ tình cờ xem được chương trình trên truyền hình, sau đó anh Sơn tiếp tục tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng về kinh nghiệm, các mô hình chăn nuôi dúi và cày hương hiệu quả. 

Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế này không quá khó, ít tốn kém mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, thức ăn cũng như điều kiện chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, năm 2023 anh Sơn mạnh dạn vay vốn đầu tư mua cày hương và dúi về nuôi thử nghiệm. Nhờ chịu khó, ham học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế, nên mô hình cày hương và dúi của gia đình anh đang phát triển tốt.

Hiện nay, gia đình còn nuôi thêm lợn thương phẩm, hàng trăm con gia cầm các loại và  trồng 2 ha keo. Mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình anh Sơn thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Anh Sơn chia sẻ, tuy mô hình không mới mẻ và chưa đạt thành công như mong đợi, nhưng với anh đây là một bước tiến dài giúp anh cải thiện điều kiện sống của gia đình. Đồng thời, anh có thêm động lực để mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.

Thanh Hóa luôn quan tâm chính sách về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế
Thanh Hóa luôn quan tâm chính sách về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế

Thời gian qua, tỉnh đoàn Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, phong trào thiết thực để thúc đẩy đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp như phong trào: Phát triển kinh tế trong thanh niên; mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp; cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên". Trong đó, có 800 mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp đã được hiện thực hóa trong thực tiễn, phát triển thành những cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết: Phong trào khởi nghiệp đã có sức lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy và khích lệ các thế hệ thanh niên về ý thức lập thân, lập nghiệp, chú trọng khởi nghiệp tại quê hương; đồng thời, nhân rộng các mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, kết nối tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế.