Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy nông dân vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa phát triển sản xuất, kinh doanh

Quỳnh Trâm - 10:39, 22/02/2024

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) có nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN. Nội dung của dự án đang tạo thêm cơ hội mới để nông dân vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa tiếp cận nguồn vốn, học hỏi kỹ thuật, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm để khởi nghiệp.

Gia đình chị Phạm Thị Loan, ở xã Cao Thịnh, huyệnười dân trong thôn chuyển nhượng lại hơn 4 ha đất đồi để làm trang trại (Trong ảnh: Gia đình bà Loan đang chăm sóc dứa)
Gia đình chị Phạm Thị Loan, ở xã Cao Thịnh, vận động người dân trong thôn chuyển nhượng lại hơn 4 ha đất đồi để làm trang trại (Trong ảnh: Gia đình bà Loan đang chăm sóc dứa)

Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm

Nhận thấy địa phương có tiềm năng đất đai lớn, gia đình chị Phạm Thị Loan, ở xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã vận động người dân trong thôn chuyển nhượng lại hơn 4 ha đất đồi để làm trang trại. Thông qua Hội Nông dân huyện, gia đình chị tín chấp với ngân hàng để vay vốn trồng các loại cây ăn quả như: bưởi, dứa… kết hợp nuôi gà, vịt…

Đồng thời, chị đã được Hội Nông dân tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất nên các loại cây trồng phát triển tốt, chất lượng đảm bảo, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2020 đến nay, chị Loan đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

"Nhờ nguồn vốn ưu đãi, đã giúp tôi hiện thực hóa những dự định của mình. Việc chăn nuôi, trồng trọt không những đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mà còn giúp một số lao động tại địa phương có công ăn việc làm”, chị Loan cho hay.

Trên địa bàn huyện miền núi Cẩm Thủy cũng có hàng trăm hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như, trang trại tổng hợp của gia đình ông Đỗ Văn Hoan (ở thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân).

 Là hộ nghèo, nhiều năm qua, gia đình ông Đỗ Văn Hoan đã xoay xở nhiều nghề, làm nhiều việc như: trồng lúa, xay xát gạo, làm mộc, mở cửa hàng bán tạp hóa... với mong muốn cuộc sống được cải thiện, nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hắng ngày và không có sự bứt phá.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Đỗ Văn Hoan ở thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy tạo việc làm cho khoảng 10 lao động ở địa phương
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Đỗ Văn Hoan ở thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy tạo việc làm cho khoảng 10 lao động ở địa phương

Bằng sự quyết tâm thoát nghèo, ông Hoan quyết định thuê 5 ha đất của một số hộ dân cải tạo lại để làm trang trại tổng hợp. Sau hơn 2 năm, hiện ông Hoan có trang trại với 1 khu chuồng trại chăn nuôi lợn rộng hơn 1.500 mét vuông, nuôi 170 con lợn thương phẩm/lứa và duy trì 30 con lợn nái.

Ngoài ra, ông còn có 2ha trồng các loại cây ăn quả như: cam, ổi, mít... Với quy mô trang trại tổng hợp, hiện nay của ông Hoan đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Tận dụng chất thải từ đàn lợn và các phụ phẩm nông nghiệp, ông đã đầu tư mô hình sản xuất phân bón vi sinh để sử dụng trong trang trại và bán ra các vùng lân cận. Với những thành công này, ông Đỗ Văn Hoan được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì sự nỗ lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời đoàn kết giúp người dân trong thôn cùng làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Ông Đỗ Văn Hoan cho biết, hàng năm, gia đình ông xuất bán 3 lứa lợn tổng trọng lượng khoảng 40-45 tấn và 15 tấn quả các loại...; tổng doanh thu cũng đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng từ 500-700 triệu đồng/năm.

“Bà đỡ” cho nông dân miền núi

Cùng với thực hiện các phong trào thi đua, các cấp hội nông dân đã và đang triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG 1719. Giai đoạn 2021-2025, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân là người DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc nói riêng; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các DTTS xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa...

Đặc biệt, thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chỉ tính trong giai đoạn 2018- 2023, các hộ nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh đã tạo việc làm tại chỗ cho gần 2 triệu lao động nông thôn, hỗ trợ trên 20 nghìn hộ nông dân thoát nghèo; góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Trịnh Huy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Thủy cho biết: "Hội Nông dân huyện đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở tất cả các xã trong huyện, nhờ đó có tới trên 80% hộ nông dân đăng ký tham gia. Trên cơ sở nhu cầu và điều kiện thực tế, Hội nông dân huyện tập trung giúp đỡ các hộ tiếp cận vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, kết nối cung cầu, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại".

Trong năm 2023, gần 600 hộ nông dân của tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh
Trong năm 2023, gần 600 hộ nông dân của tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh

Để nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân được đầu tư đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các cấp hội nông dân cơ sở khảo sát thực tế nhu cầu vay vốn của các hộ; ưu tiên lựa chọn những mô hình, dự án phù hợp với vùng, miền để phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2023, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho 77 dự án, với nguồn quỹ hơn 37 tỷ đồng với gần 600 hộ vay vốn; phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, lồng ghép các chương trình, dự án của ngành nông nghiệp để phổ biến những kinh nghiệm hay, mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Nhờ đó, các hộ vay vốn đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, đem lại thu nhập cao.

Thời gian qua, các cấp hội thực hiện tín chấp và nhận ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. 

Các cấp hội nông dân cũng đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với việc phát triển các tổ liên kết, hợp tác trong sản xuất theo hình thức nhóm hộ. Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức dạy nghề cho nông dân và hoạt động an sinh xã hội; cung ứng vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...Qua đó, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.