Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Quỳnh Trâm - 14:07, 04/12/2022

Những năm qua, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào ổn định đời sống, sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo.


Chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng núi Thanh Hóa
Chính sách dân tộc đang góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi vùng núi Thanh Hóa

Thoát nghèo nhờ chính sách

Trong những năm qua, nhờ thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển tích cực. Theo đó, nhiều hộ dân tộc thiếu số đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Lương Thị Thế ở bản Mỏ, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa trước kia thuộc hộ cận nghèo. Năm 2020, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ hội phụ nữ xã, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê với quy mô lớn. Do tuân chủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi và phòng bệnh, năng động tìm đầu ra ổn định, nên mô hình của chị phát triển mạnh. Đến nay, trung bình mỗi năm thu nhập từ nuôi dê của chị Thế đạt trên 100 triệu đồng, nhờ vậy gia đình chị đã vươn lên trở thành hộ khá trong xã Phú Xuân. Chị Thế cho biết, việc chăn nuôi theo phương pháp khoa học đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn, vật nuôi ít mắc bệnh hơn so với chăn thả truyền thống.

Mô hình chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân xã Phú Xuân
Mô hình chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân xã Phú Xuân

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa cho biết: Địa phương luôn tận dụng các nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc để giúp bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững nhất. Hiện nay, nhận thức của bà con Nhân dân có nhiều thay đổi rõ rệt, nhiều hộ cũng chủ động tìm hướng đi phát triển kinh tế, không phụ thuộc ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Năm 2004, gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân (Như Xuân) được Hội Nông dân huyện Như Xuân hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Sau khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư 5 ha đất đồi để phát triển kinh tế rừng. 

Theo đó, một phần diện tích đất ông Tuấn trồng cây keo, cao su, luồng. Một phần ông đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn, dê đồng thời trồng thêm một số loại cây ăn quả như thanh long, cam, bưởi... Khởi đầu từ 5 ha đất đồi, đến nay, trang trại của ông Tuấn đã mở rộng lên 60 ha, gồm: 40 ha cao su, lát, keo, luồng; 3 ha thanh long, 5 ha ao cá, 10 con bò, 4 ha cây ăn quả. Thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 50 lao động thời vụ với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,82%/năm.

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân (Như Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Gia Bảo
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân (Như Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Gia Bảo

Nỗ lực thay đổi diện mạo miền núi

Có thể thấy, chính sách dân tộc thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã góp phần tích cực, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên các lĩnh vực của đời sống.

Minh chứng cụ thể, bằng nguồn vốn và các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, diện mạo cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS nông thôn các huyện miền núi xứ Thanh đã thay đổi tích cực. Điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là, hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa đến từng thôn, bản; cơ sở vật chất trên các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp; điện lưới quốc gia, nước sạch đã về hầu hết các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào... 

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi trong tỉnh đạt trên 80.000 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg; chính sách vay vốn; chính sách đối với Người có uy tín; các đề án tuyên truyền chính sách, pháp luật cho vùng DTTS được phân bổ gần 2.800 tỷ đồng...

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã  gần 100 nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón các loại. Hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg được hơn 1,2 triệu khẩu ở các hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho gần 5 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách đối với Người có uy tín cho gần 10 nghìn lượt người... 

Đến nay, đường ô tô tới trung tâm các xã miền núi đã được cứng hóa 100%; tỷ lệ thôn, bản có giao thông được cứng hóa đạt 75%; tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%; có 100% xã được dùng lưới điện quốc gia; 100% trung tâm các huyện, xã có mạng dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động...

Nhiều hộ dân ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa đã vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng địa phương nhờ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước
Nhiều hộ dân ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa đã vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng địa phương nhờ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. 

Việc triển khai chính sách dân tộc theo hướng phân cấp cho huyện, xã trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; giảm “cho không”, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế... tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn lực, trực tiếp tham gia, giám sát, công khai, dân chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và quyền làm chủ của đồng bào DTTS; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động tích cực vượt khó đi lên...

Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS, như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, như: hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn. Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, cùng sự phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc, tin rằng, mục tiêu của Thanh Hóa sẽ sớm thành hiện thực.