Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tháng 7 về thành cổ Quảng Trị: Tiếng thầm thì của đất… (Bài 1)

Thanh Hải - 06:57, 19/07/2022

LTS: Tôi trở lại cổ thành Quảng Trị vào giữa mùa hè 2022, đúng tròn nửa thế kỉ, nơi đây lịch sử chọn làm cuộc đối đầu. Nửa thế kỉ đủ để thị xã Quảng Trị hồi sinh và phát triển, nhưng hậu thế cũng thấm hơn sự khốc liệt và mất mát của cuộc chiến 81 ngày đêm năm ấy. Thành cổ chưa bao giờ thôi thổn thức bởi những nhịp đập dưới lòng đất thiêng vẫn thầm thì theo gió mưa, theo tháng năm; hiện hình qua từng di vật, nhành cây, ngọn cỏ…

Những chiến sĩ giải phóng quân trong thành cổ
Những chiến sĩ giải phóng quân trong thành cổ

Vẳng trong tiếng nhạc dìu dặt của cỏ non thành cổ, tôi như nghe rõ hơn lời nhắc nhở thầm thì của đất. Tiếng vọng ấy trĩu một nỗi niềm thiết tha, day dứt…

Không có nơi nào trên dải đất Việt này, đất được giữ bằng một cái giá đắt như nơi cổ thành Quảng Trị. Báo chí phương Tây thời đó đã tính ra rằng, lượng thuốc nổ Mỹ dùng ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 bằng 7 quả bom nguyên tử mà họ đã ném xuống thành phố Hirosima trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Còn báo Quân đội nhân dân Việt Nam ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

Một trận chiến bên trong thành cổ Quảng Trị, năm 1972
Một trận chiến bên trong thành cổ Quảng Trị, năm 1972

Một thị xã trước năm 1972, từng lưu dấu tích của một thời quân chủ phong kiến. Một cổ thành rêu phong nằm trong lòng thị xã, nép mình bên dòng Thạch Hãn hiền hòa. Những con phố nhỏ rợp màu phượng đỏ, một ngôi trường trung học Nguyễn Hoàng nổi tiếng... phút chốc trở nên hoang tàn, đổ nát, lửa cháy khắp nơi. Còn Thạch Hãn, sông đâu biết rằng có ngày mình trở thành “dòng sông lửa” trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Từ ngày 13/6/1972, VNCH đã mở cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm Quảng Trị. Đối phương tập trung ở đây 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo, 5 thiết đoàn cùng sự hỗ trợ tối đa của không quân, hải quân Mỹ. Đây được coi như nỗ lực cuối cùng của đối phương để cứu vãn sự phá sản thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Từ thành cổ Quảng Trị - lặng ngắm và suy tư: Tiếng thầm thì của đất… (Bài 1) 2
Những gì còn sót lại của trường Bồ Đề
Những gì còn sót lại của trường Bồ Đề

Trước sự tàn phá của khối lượng đạn bom ngang bằng 7 quả bom nguyên tử, sau 81 ngày đêm chìm trong khói lửa, cả thị xã chỉ còn lại ngôi trường Bồ Đề loang lổ những vết đạn, sập mái, trơ những dầm sắt. Nửa thế kỷ qua rồi, ngôi trường ấy vẫn sừng sững bên đường Trần Hưng Đạo, như một chứng nhân của sự tàn phá thảm khốc. Còn trong lòng thành cổ rộng chừng 25ha là một sự đổ nát đến nghẹn ngào.

Đấy là những điều con người có thể nhìn thấy được qua những con số khô khốc đến rợn người. Nhưng có một điều, không ai có thể thấy được dưới lòng đất thiêng này, dưới nền đường mình hằng đi mỗi ngày, dưới những lối đi quen thuộc cổ thành có bao nhiêu hài cốt của các liệt sĩ.  Ai đã được tìm thấy và ai còn nằm dưới cỏ?

Chỉ biết rằng, hài cốt liệt sĩ nhiều đến mức mà sau ngày giải phóng, những người dân trở về phố cũ, dựng nhà, san đất đắp vườn, đào giếng... đều gặp phải hài cốt các anh.

Tôi đi qua thành cổ không biết bao lần, chợt nhận ra, nhà nào nơi đây cũng lập một cái trang thờ trong vườn hay trước cổng nhà mình. Như là cách để thờ vọng anh linh những chiến sĩ đã hi sinh. Cũng một thời, hầu như chủ nhà nào ở vùng đất này đều chuẩn bị vài cỗ tiểu sành phòng xa trong nhà… khi bất ngờ đào xới đất và bắt gặp hài cốt các anh.

Màu xanh sự sống vẫn là màu chủ đạo ở cổ thành
Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao

Những cựu binh từng đi qua mùa hè cổ thành Quảng Trị năm 1972, cũng đã vào độ “cổ lai hi”. Mùa hè năm ấy, họ là những chàng trai, cô gái đôi mươi xếp bút nghiên ra trận, “mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ông Trần Cảnh Yên, người Diễn Châu (Nghệ An) là một cựu binh từng tham chiến ở cổ thành 50 năm trước. Tháng 7 này, ông cũng đã về lại Quảng Trị, để được đắm mình trong kí ức đau thương mà hào hùng; trong miền hồi tưởng mênh mông về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống mùa hè năm ấy.

Ông Yên xúc động: Tôi may mắn sống được đến ngày hôm nay, nhưng có biết bao chiến sĩ là đồng đội tôi đã ngã xuống trong thành cổ. Mỗi tấc đất nơi đây đã được đánh đổi bằng xương máu của hàng chục, hàng trăm người. Biết bao người còn nằm lại trong lòng đất mà chưa được tìm thấy.

Tôi hôm nay, cũng đi giữa cổ thành Quảng Trị. Bước trên vùng đất thiêng mà lòng không thôi thổn thức; ngỡ như mình cũng cùng tâm trạng mà Phan Đình Lân đã viết năm nào: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió. Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”.

Màu xanh sự sống vẫn là màu chủ đạo ở cổ thành
Màu xanh sự sống vẫn là màu chủ đạo ở thành cổ

Nếu ai đó muốn một sự rạch ròi về màu sắc, xin một lần đến với cổ thành Quảng Trị. Cỏ cổ thành xanh ngắt đến vô cùng. Còn hoa phượng cũng rực cháy như màu máu. Và bầu trời lại trong xanh lồng lộng… Màu hoa phượng ấy, nhiều người nghĩ là do nắng gắt nên mới đỏ hơn như thế. Nhưng có lẽ có một lý do khác, là máu của bao chiến sĩ đã đổ xuống nơi đây rất nhiều để cánh phượng thêm đỏ thắm. 

Và “rêu cũng đỏ như đã từng là máu”, rêu thấm đẫm máu đào những chiến binh giữ cổ thành ngã xuống mà trở nên đỏ rực đến xót xa, đau đớn. Còn cỏ, khi đứng trên đài chứng tích và nhìn rộng ra bốn hướng, tôi chỉ thấy một màu xanh ngằn ngặt. Cỏ nối nhau, từng ô, từng khoảnh như mênh mông, bất tận… khắp cổ thành.

Màu hoa rực lửa ấy của phượng vĩ, màu xanh thăm thẳm của cỏ cây, tôi nghĩ rằng, như đang vá lại vết thương của đất Mẹ; như làm dịu lại nỗi đau dĩ vãng; như là một ẩn dụ của bình yên.

Lời thầm thì của đất vẫn như nhắc nhở những ai về với cổ thành thêm “nhẹ bước chân và nói khẽ thôi” để “đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”. Thành cổ đã trở thành nghĩa trang không nấm mồ riêng. Thành cổ cũng đã thành ngôi mộ chung của những đồng đội, những người dũng cảm quên mình vì quê hương hòa bình, vì thống nhất đất nước. Thế nên, dưới tầng đất thiêng ấy, tiếng vọng như trĩu một nỗi niềm thiết tha mà day dứt… mãi chưa nguôi.

Có ai đó đã nói, những người chết không phải vì để trở thành anh hùng, mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình. Mà đúng thế thật, những cái chết đó, là để cho Nhân dân sống. Để 81 ngày đêm năm ấy mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản tráng ca hào hùng về một khát vọng hòa bình rực cháy.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.