Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thấm đẫm tính nhân văn qua Lễ kết nghĩa của đồng bào Ê Đê

Lê Hường - 09:17, 13/05/2022

Lễ kết nghĩa anh em được đồng bào Ê Đê ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sau khi làm lễ kết nghĩa, hai gia đình trở thành anh em một nhà, giúp nhau mọi việc, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.

Chuẩn bị các chóe rượu cần làm lễ vật cúng
Các chóe rượu cần được chuẩn bị để làm lễ vật cúng

Gắn kết tình thân

Đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi có dịp về buôn Drai Sí, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar chứng kiến đồng bào Ê Đê, tổ chức lễ kết nghĩa anh em cho bà H’Djuăn Niê (SN 1977) ở buôn Drai Sí và ông Y Thôn Niê (SN 1964) trú buôn Mlăng. Từ sáng sớm, bà con ở buôn Drai Sí đã có mặt tại nhà bà H’Djuăn Niê giúp gia đình chuẩn bị đồ lễ.

Nhiều năm làm thầy cúng, ông Y Chốh Niê (tên thường gọi Ei Bái) 70 tuổi cho biết: Theo truyền thống của đồng bào Ê Đê, lễ kết nghĩa anh em trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi. Trước khi tổ chức lễ kết nghĩa, chủ nhà chuẩn bị 10 ché rượu cần, 1 con heo thiến, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị. Người được kết nghĩa phải có mặt trước 5h sáng chứng kiến chủ nhà mổ heo, chuẩn bị các lễ vật, buộc ché rượu cần, gùi nước, chặt lá chuối...

Khi người được kết nghĩa chưa có mặt, thì chủ nhà không được làm bất cứ việc gì. Sau khi đã kết nghĩa, điều kiêng kị nhất trong nghi lễ kết nghĩa anh em, là mọi người không được cãi nhau, xích mích, quậy phá. Nếu người nào vi phạm sẽ bị phạt 2 - 3 con heo hoặc 1 con trâu hay 1 con bò.

Quan khách, bà con trong buôn đến dự Lễ kết nghĩa anh em giữa bà H’Djuăn Niê và ông Y Thôn Niê
Quan khách, bà con trong buôn đến dự Lễ kết nghĩa anh em giữa bà H’Djuăn Niê và ông Y Thôn Niê

Trong căn nhà dài truyền thống của gia đình bà H’Djuăn, nghệ nhân cồng chiêng, người thân trong gia đình đã quây quần đông đủ. Tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu, mọi người ổn định chỗ ngồi theo phong tục, phụ nữ được ưu tiên ngồi bên phía Nam của căn nhà, còn đàn ông ngồi bên phía Bắc, không khí buổi lễ thật thiêng liêng, ấm áp. Người được kết nghĩa ngồi bên mâm cơm cúng và các lễ vật để thầy cúng tiến hành nghi lễ.

Đầu tiên, thầy cúng khấn bẩm báo, mời các thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của dòng họ Niê buôn Drai Sí và dòng họ Niê buôn Mlăng.

Tiếp theo, thầy cúng báo cho các thần trời, thần đất, kể từ buổi lễ này hai người kết nghĩa sẽ thành một dòng máu, như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, bảo ban nhau làm ăn, xây dựng buôn làng ấm no và bảo vệ nhau đến đời con cháu mai sau. Nếu người nào rắp tâm làm hại người còn lại thì thần trời, thần đất sẽ trừng phạt.

Nghệ nhân đánh cồng chiêng để thực hiện các nghi thức của buổi lễ
Nghệ nhân đánh cồng chiêng để thực hiện các nghi thức của buổi lễ

Kết thúc nghi thức cúng, thầy cúng sẽ mời người được kết nghĩa thưởng thức các món ăn trong mâm cơm cúng mà chủ nhà đã chuẩn bị. Sau đó, người được kết nghĩa lần lượt cầm cần uống rượu từ ché rượu cần.

Theo ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, nghi lễ kết nghĩa anh em có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục cộng đồng. Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, tình cảm gắn kết đến đời con, đời cháu. Để nghi lễ kết nghĩa anh em được diễn ra thuận lợi, đúng phong tục, phải chuẩn bị kỹ lưỡng và không được phép để xảy ra sai sót nào. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nghi lễ kết nghĩa, mọi người không được phép nói tục và không được làm những gì mà chưa được chủ lễ cho phép.

“Theo truyền thống của người Ê Đê, không phải ai cũng có thể kết nghĩa với nhau, mà chỉ những người trong cùng một dòng họ mới được làm nghi lễ kết nghĩa anh em”, ông Y Mang cho biết thêm.

Nghi thức trao vòng đồng cho người được kết nghĩa
Nghi thức trao vòng đồng cho người được kết nghĩa

Tích cực bảo tồn văn hóa truyền thống 

Trong lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê, không thể thiếu nghi thức trao vòng đồng cho người được kết nghĩa. Người Ê Đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự gắn kết bền vững. Sau lễ cúng, người được kết nghĩa sẽ được các thành viên, người thân họ hàng trong gia đình chủ nhà lần lượt đến trao tặng vòng đồng. Sau đó, các thành viên hai bên gia đình kết nghĩa, các vị khách và dân làng, hàng xóm lần lượt thưởng thức rượu cần.

Người thân, bà con trong buôn trao tay uống rượu cần tại lễ kết nghĩa anh em
Người thân, bà con trong buôn trao tay uống rượu cần tại lễ kết nghĩa anh em

Ông Phan Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tar cho biết: Toàn xã có 6 buôn, trong đó 61% là người đồng bào DTTS tại chỗ. Lễ kết nghĩa anh em là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện truyền thống sống hài hòa, hòa đồng của đồng bào Ê Đê.

Ngoài lễ kết nghĩa anh em, đồng bào Ê Đê ở đây còn thực hiện lễ cúng bến nước, lễ hỏi chồng, lễ hội cồng chiêng... Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền rất quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, khuyến khích, động viên bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Gia đình chuẩn bị các món ăn truyền thống đãi khách và bà con trong buôn
Gia đình chuẩn bị các món ăn truyền thống đãi khách và bà con trong buôn

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, dân tộc Ê Đê nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sở hữu rất nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Ngoài sự độc đáo về văn hóa cồng chiêng, văn hóa sử thi, kiến trúc nhà dài... thì các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào Ê Đê rất đặc sắc, phong phú. Lễ kết nghĩa anh em là một trong những nét đẹp như vậy.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh 2022 - 2025. Cùng với rất nhiều giải pháp cụ thể khác, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đang chủ động tái hiện, phục dựng và trình diễn nhiều lễ hội khác nhau, của nhiều dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, mà du lịch cộng đồng thì phải gắn liền với những nét đẹp độc đáo, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cộng đồng 49 dân tộc anh em trên địa bàn nói chung. Tất cả những vốn quý văn hóa ấy, trong thời gian tới, không chỉ bảo tồn mà còn được phát triển, quảng bá để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế”, ông Đặng Gia Duẩn cho biết.