Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa Ê Đê bằng loại hình sân khấu hóa

Sao Khuê - 21:02, 14/12/2021

Sáng 14/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Thương Garden tổ chức họp báo giới thiệu ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ quá trình ra đời ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và tình yêu Tây Nguyên của nhạc sĩ
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ quá trình ra đời ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và tình yêu Tây Nguyên của nhạc sĩ

Đắk Lắk được biết đến với những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của Tây Nguyên, trong đó có Dam Săn. Sử thi Dam Săn do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Ê Đê – Pháp tại Paris năm 1927.

Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại. Thông qua tác phẩm giúp người đọc được trở lại với quá khứ hào hùng trong buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, nổi bật nhất là anh hùng Dam Săn đã cùng buôn làng chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.

Năm 2014, sử thi Êđê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đề án ca kịch “Khát vọng Dam Săn” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 14/4/2021 theo Quyết định 843/QĐ-UBND do Sông Thương Garden xây dựng và đề xuất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chủ trì, tác giả và tổng đạo diễn là nhạc sỹ Nguyễn Cường, kịch bản Hồng Hoa.

Đề án ra đời nhằm xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, phục dựng, bảo tồn và trình diễn lịch sử văn hóa dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu và tạo dựng sân khấu âm nhạc độc đáo bán thực cảnh dành cho lễ hội thường niên của đồng bào Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” gồm 5 chương: chương 1 Đam Săn và H’Nhi; chương 2 xử tội Mtao Msei; chương 3 Buôn sang trông cậy; chương 4 nơi miền sáng; chương 5 mặt trời lên trên cao nguyên bao la.

Sau 34 năm ấp ủ, sáng tác bằng tình yêu, duyên phận với Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã được hoàn thành, là món quà ý nghĩa mà nhạc sĩ dành cho 49 dân tộc anh em ở Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđơh (là một người con của dân tộc Ê Đê) xúc động chia sẻ, Sử thi Dam Săn từ lâu đã đi vào lòng người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ góp phần phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa của người Ê Đê qua sân khấu âm nhạc độc đáo. Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” hoàn thành đúng dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, là một dấu ấn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, đồng thời đánh dấu cột mốc 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđơh gửi lời chúc mừng, biết ơn tới nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng êkip đã khắc phục khó khăn do dịch covid-19 để hoàn thành tác phẩm. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí, kênh thông tin đại chúng giới thiệu, truyền tải nội dung và những giá trị của tác phẩm đến với công chúng.