Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tập trung hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022

Hoàng Quý - 15:29, 11/05/2022

Sáng 11/5, theo chương trình Phiên họp thứ 11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộ (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch điều hành phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch điều hành phiên họp

KT-XH 4 tháng đầu năm chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá… Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…

Nhờ đó, tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng/2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020 - 2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI. Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ gửi đến UBTV Quốc hội so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thấp hơn dự toán là 4%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt cao hơn mức đã báo cáo.

Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như: Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3 - 3,5%).

Tập trung giải quyết các vấn đề nổi bật

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn chậm. Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018 - 2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ như: Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm của 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân; cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án; cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế; nhìn nhận, quan tâm đến vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch COVID-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng…

Liên quan đến thực hiện NSNN năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng thu NSNN năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa sát thực tiễn. Một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững. Chính sách hoàn thuế từ nguồn ngân sách Trung ương còn bất cập. Nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục. Đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện đúng quy định trong quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi NSNN, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành. Đề nghị Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn sử dụng NSNN bố trí cho công tác phòng dịch, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững) tiếp tục không bảo đảm tiến độ.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải,  Quốc hội đã cho ý kiến về: những kết quả đạt được những hạn chế, tồn tại trong phát triển KT-XH năm 2021; công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe người dân; về thực hiện thu chi ngân sách, bội chi nợ công của năm ngân sách 2021; kết quả thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân; những bất cập, hạn chế bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện ngân sách năm 2021 và điều hành chính sách tài khóa ứng phó với dịch bệnh.

UBTV Quốc hội cũng đã cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển KT-XH các tháng đầu năm 2022 về tốc độ tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc thực hiện các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm soát dịch COVID-19. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; hỗ trợ chương trình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc phục hồi của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc phân bố và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.

UBTV Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề cần quan tâm lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng còn lại của năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2022.