Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sáp nhập đơn vị hành chính ở vùng DTTS và miền núi: Cần tính tới yếu tố đặc thù

Hồng Minh - 12:04, 12/04/2022

Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp hyện, cấp xã vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2021, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sau 3 năm triển khai đã có những tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập xuất phát từ những yếu tố đặc thù của vùng DTTS và miền núi.


Việc sáp nhập bản Nà Thái và bản Cóng (bản Thái Cóng) xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La giúp người dân thuận lợi trong việc làm thủ tục hành chính (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát)
Việc sáp nhập bản Nà Thái và bản Cóng (bản Thái Cóng) xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La giúp người dân thuận lợi trong việc làm thủ tục hành chính (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát)

Chủ trương đúng đắn

Sau hơn một năm sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ, kể từ ngày 2/1/2020, đầu năm 2021 người dân các bản Nà Pen 1, Nà Pen 2 xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, phấn khởi khi chứng kiến con đường gần 10 km từ trung tâm xã về hai bản dần hoàn thành.

Anh Vàng A Tống, bản Nà Pen 2 cho biết, trước đây hai bản này thường được nhắc đến là các bản “nhiều không”, vì đường về bản gập ghềnh nên kéo theo không điện, không nước, trường học tạm bợ.

 Nay được sự quan tâm của các cấp, đặc biệt từ khi sáp nhập về thành phố, bản Nà Pen 2 được đầu tư thêm. Điện được kéo về thắp sáng bản, nước sinh hoạt cũng được đầu tư. Từ ngày có đường mới, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế gia đình dần cải thiện.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính mới có điều kiện sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, đã khai thác được các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, cùng với việc giảm thiểu các đầu mối, giảm số lượng cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách… Kết quả giảm chi ngân sách giai đoạn 2019-2021 là trên 22 tỷ đồng.

“Trong đời sống, người dân tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, tạo điều kiện để trao đổi, giao lưu văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc tại các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp” bà Triệu Thị Thu Phương thông tin.

 Theo Báo cáo về Tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trong giai đoạn 2019-2021 đối với địa bàn vùng DTTS và miền núi của Bộ Nội vụ, trong 3 năm vừa qua, đã thực hiện sắp xếp 392 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng DTTS và miền núi của 18 tỉnh. Sau khi sắp xếp đã hình thành mới 191 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 61/191 đơn vị đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định và đã giảm được 201 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong công tác quản lý nhà nước, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã tạo sự thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy hành chính nhà nước, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí ngân sách.

Cùng với đó là tác động đến phát triển kinh tế- xã hội. Các địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có để mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi thu hút đầu dư, giao lưu. Từ đó tạo điều kiện phát triển, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa…Tuy nhiên, do đặc thù là vùng DTTS và miền núi nên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính giúp người dân tăng cường sự đoàn kết, tạo điều kiện để trao đổi, giao thoa văn hóa (Ảnh minh họa)
Việc sáp nhập đơn vị hành chính giúp người dân tăng cường sự đoàn kết, tạo điều kiện để trao đổi, giao lưu văn hóa (Ảnh minh họa)

Vướng mắc từ yếu tố đặc thù

Là tỉnh tiên phong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, bà Đinh Thị Thảo,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đã có rất nhiều tình huống khiến địa phương lúng túng khi sáp nhập đơn vị hành chính. Như 3 xã nhập lại thì có 2 xã khu vực II, 1 xã đặc biệt khó khăn; hay xã đạt nông thôn mới sáp nhập với xã chưa đạt chuẩn NTM. Vậy việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những xã mới sáp nhập như thế nào, theo tiêu chí xã đặc biệt khó khăn hay tiêu chí xã khu vực II. Xã chưa đạt chuẩn NTM sáp nhập với xã đạt chuẩn NTM, thì có còn là xã nông thôn mới hay không. Hay có tình huống đi từ xóm đến xã làm thủ tục hành chính ở tỉnh Hòa Bình, người dân phải đi mất 30km đường rừng.

“Có những trường hợp, các xã sáp nhập lại không xã nào chịu mất tên. Xã có đông đồng bào Thái, lý giải cái tên đi cùng lịch sử của người Thái, không thể bỏ tên xã được. Người dân cũng e ngại khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ làm mất đi các yếu tố truyền thống, đặc thù của dân tộc mình. Chúng ta đang sắp xếp cơ học mà chưa chú trọng đến những yếu tố đặc thù của vùng DTTS và miền núi. Cán bộ chuyên trách đi làm phong trào ở cơ sở cũng rất khó khăn, do khoảng cách địa lý của xã xa, không đủ tiền mua xăng. Sáp nhập đơn vị hành chính dù không có đơn thư, khiếu nại nhưng cán bộ, công chức và người dân tâm tư lắm”, bà Đinh Thị Thảo chia sẻ.

Tương tự, tại tỉnh Thanh Hóa, việc sắp xếp xã hưởng chính sách đặc thù vùng đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II sáp nhập với xã, thị trấn khu vực I… cũng có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chính sách. Đơn cử là việc thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt chưa thực hiện được tại thị trấn Mường Lay, vì thị trấn không có tên trong danh sách các đơn vị được hưởng phụ cấp đặc biệt. Trong khi đó, xã Tén Tằn (chiếm 92,6% diện tích thị trấn) trước khi nhập vào thị trấn Mường Lay đang hưởng phụ cấp đặc biệt 30%.

Cùng với bất cập trong thực hiện chính sách, thì nhiều địa phương còn gặp khó trong sắp xếp, bố trí cán bộ. Bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc- Tôn giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, có nhiều Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở phải xuống làm Phó Chủ tịch hội (từ cán bộ chuyên trách cấp xã thành người hoạt động không chuyên trách cấp xã), nhiều Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở phải xuống làm Chi hội trưởng (từ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trở thành người hoạt động không chuyên trách, tham gia vào công việc ở thôn, tổ dân phố). Một số nơi vận động các cán bộ Hội nghỉ khi không bố trí chức danh ở đơn vị mới. Rõ ràng tình trạng dư thừa cán bộ sau sắp xếp, vẫn là bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi phải rất thận trọng, làm từng bước, có lộ trình, trên quan điểm tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Chỉ khi đồng thuận, nhất trí cao thì mới đoàn kết, quyết tâm thực hiện.

"Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính có thể ngay và luôn, nhưng với cộng đồng dân cư, với cán bộ, công chức đây là câu chuyện cần có thời gian, ổn định về mặt tư tưởng, nếu vội vàng có thể nảy sinh, phát sinh nhiều vấn đề", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu quan điểm.