Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường kiến thức nhận biết bệnh tăng động của trẻ

Nghĩa Hiệp - 09:55, 05/05/2020

Tăng động giảm chú ý (viết tắt tiếng Anh là ADHD) là một rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em và thanh-thiếu niên. Hiện nay, số lượng trẻ được thăm khám, đánh giá và chẩn đoán mắc ADHD ở Việt Nam đang tăng theo từng năm. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 7 tuổi, nếu không được phát hiện sớm để điều trị, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của trẻ sau này.

Các bác sĩ đang chẩn đoán bệnh ADHD ở trẻ
Các bác sĩ đang chẩn đoán bệnh ADHD ở trẻ

Các nghiên cứu công bố tại Việt Nam đã chỉ ra, tỷ lệ mắc bệnh ADHD tại Việt Nam đang ở mức trên 7% đối với trẻ từ 5 - 7 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ nam mắc gấp 3 lần trẻ nữ. Các triệu chứng nhận biết như: Khả năng tập trung rất kém, khó khăn trong giao tiếp thông thường, lười tư duy, tăng động (hoạt động quá mức cần thiết), khó kiểm soát lời nói, không tuân theo hướng dẫn và không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nguyên nhân mắc bệnh được bác sĩ Kiều Thị Hạnh, Khoa Tâm bệnh phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bao gồm mẹ sinh non dưới 36 tuần, cân nặng trẻ sau sinh dưới 2.000g, mẹ sử dụng chất kích thích khi mang thai, mẹ bị stress khi mang thai và sau sinh. Bên cạnh đó cũng có các yếu tố về biến cố gia đình, cha mẹ gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Những trẻ mắc bệnh ADHD sẽ có khả năng tập trung thấp, có hành vi bạo lực, trầm cảm, tự kỷ và dễ bị lôi kéo hơn những đứa trẻ khác”.

Đặc biệt, đối với trẻ mắc bệnh ADHD, khả năng tập trung trong học tập rất thấp, có đến hơn 80% trẻ mắc bệnh này có học lực trung bình hoặc kém, chỉ khoảng 10% trẻ mắc ADHD có học lực khá, không có trẻ nào có học lực giỏi. Kèm theo đó là trẻ có hành vi “hung tính” hơn những đứa trẻ khác.

Đối tượng dễ phát hiện bệnh nhất là trẻ trên 5 tuổi, đây là thời điểm trẻ chuẩn bị đi học tiểu học, môi trường hoàn toàn khác với mầm non. Trẻ phải tuân thủ theo các quy tắc, nội quy nhiều hơn nên trẻ dễ dàng bộc lộ các biểu hiện giảm tập trung học, khó ngồi yên. Cũng vì vậy, cần có sự quan sát, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để sớm phát hiện trẻ mắc bệnh. “Vùng DTTS, miền núi có tỷ lệ trẻ mắc ADHD khoảng 40% so với khu vực đồng bằng, tuy nhiên mức độ điều trị ở khu vực này thấp do còn hạn chế về các triệu chứng bệnh ở trẻ”, bác sĩ Hạnh cho biết.

Anh Nình Văn Sơn, dân tộc Nùng, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có con là Nình Văn H. mắc ADHD, anh cho biết: “Thầy cô giáo phản ánh, cháu H con tôi ngồi học tại lớp học không tập trung, hay cáu gắt và có hành vi bắt nạt bạn cùng lớp. Mãi đến khi có Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Sản nhi tỉnh về khám, tôi mới biết cháu mắc bệnh tăng động”. Được các bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị, hiện cháu H đã giảm các triệu chứng bệnh ADHD và tập trung hơn vào học tập.

Hiện nay, việc điều trị ADHD ở trẻ là rất phổ biến, để kịp thời phát hiện bệnh ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện bệnh, để kịp thời đưa trẻ đến các trung tâm y tế, chuyên khoa để thăm khám. 

Việc điều chỉnh hành vi của trẻ mắc ADHD không khó, phần lớn phụ thuộc vào các bậc phụ huynh thông qua giám sát chặt chẽ bằng các thời khoá biểu hoạt động hằng ngày. Kết hợp điều chỉnh các hành vi, thái độ, ứng xử không đúng của trẻ, kèm theo những loại thuốc tăng khả năng tập trung não bộ của trẻ. ADHD là bệnh không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không sớm được điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.