Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2020

Thúy Hồng - 16:44, 17/04/2020

Ngày 16/4/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.


Mưa đá xuất hiện ở nhiều địa phương từ đầu năm đến nay đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và thiệt hại về kinh tế của người dân. (Ảnh minh họa)
Mưa đá xuất hiện ở nhiều địa phương từ đầu năm đến nay đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và thiệt hại về kinh tế của người dân. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài.

Trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổng hợp, phân tích, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động, bất ngờ, gây hậu quả lớn, dẫn đến thảm họa. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để triển khai Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên trách; đồng thời, tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch những tháng còn lại…

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc...; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp…

Ưu tiên củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, phân tích diễn biến, tác động của thiên tai đến đời sống kinh tế xã hội tại địa phương; Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… nhất là đối với Nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

 Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ khi xảy ra thiên thiên tai...