Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phòng chống thiên tai vùng DTTS, miền núi: Những vấn đề đặt ra

Thanh Huyền (thực hiện) - 17:56, 17/01/2020

Mặc dù nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống thiên tai nhưng hậu quả gây ra vẫn rất nặng nề. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai phải sát với cuộc sống người dân ở vùng DTTS và miền núi; phòng, chống phải đi đôi với phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hậu quả do thiên tai gây ra cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là rất nặng nề.
Hậu quả do thiên tai gây ra cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là rất nặng nề

Bài 2: Giải pháp cần gắn liền với thực tế

Thực tế cho thấy, thiên tai xảy ra phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo. Xin ông cho biết giải pháp lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như các giải pháp giúp người dân sống hài hòa với thiên nhiên?

Thiên tai xảy ra phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 về công tác phòng, chống thiên tai. Đây là Nghị quyết toàn diện về công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có ưu tiên khu vực miền núi. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai xây dựng đề án tổng thể phòng chống thiên tai cho khu vực miền núi, chủ yếu tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực ứng phó lũ quét, sạt lở đất trước mắt và lâu dài cho khu vực này.

Tổng cục cũng đang xây dựng dự án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; triển khai song song nhiệm vụ phòng chống và cảnh báo; tích cực chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án tổng thể di dân. Đây là giải pháp tương đối căn cơ ở những vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, sẽ ưu tiên nguồn lực cho khu vực này.

Ngoài ra, về phía luật pháp, chúng tôi đang sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai để hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ông đánh giá thế nào về đề nghị này?

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện dự án Luật, phải quy định rõ hơn một số điều Luật, đặc biệt phải sát sườn với cuộc sống người dân ở vùng DTTS và miền núi; phòng chống phải đi đôi với phát triển bền vững. Chúng tôi thấy đây là những ý kiến xác đáng.

Trong quá trình hoàn thiện, bổ sung Luật, chúng tôi đang cố gắng cụ thể hóa các nội dung. Ví dụ, như: trong dự thảo Luật được cụ thể hóa việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai tới người dân; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp; quy định, ưu tiên những khu vực đặc thù, có nguy cơ cao; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành chức năng; kế hoạch huy động vật tư chuyên dùng để ứng phó khi có sự cố xảy ra…Việc sửa đổi Luật cũng sẽ sát hơn với cuộc sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Ông kỳ vọng điều gì vào dự án Luật này, thưa ông?

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (tháng 5, 6/2020). Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, sự đồng tình của Nhân dân để thông qua dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống thiên tai, với mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng, chống thiên tai…

Trân trọng cảm ơn ông!