Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sóc Trăng: Chủ động chống hạn, mặn

Song Vy - 12:38, 24/02/2020

Là tỉnh có bờ biển dài 72km, tỉnh Sóc Trăng thường chịu thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp do hạn hán và xâm nhập mặn. Để chống hạn, mặn lâu dài, Sóc Trăng đã xây dựng cho mình kịch bản thích ứng với thiên tai, bước đầu đã giảm thiểu thiệt hại.

Ông Danh Dươi (bên phải) – nông dân huyện Trần Đề chủ động mùa vụ tránh hạn
Ông Danh Dươi (bên phải) – nông dân huyện Trần Đề chủ động mùa vụ tránh hạn

Sau lần thiệt hại do hạn, mặn lịch sử 2014 - 2015, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, nhất là vào giai đoạn mùa khô hằng năm, nhằm có những khuyến cáo kịp thời thông tin đến người dân trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đã tuyên truyền người dân tại một số khu vực thiếu nước trong mùa khô, không xuống giống vụ 3 hoặc một số địa phương thuận lợi hơn sẽ xuống giống trước để tránh hạn.

Như ở huyện Trần Đề, hiện tại toàn bộ diện tích lúa vụ Đông - Xuân (2019 - 2020) trên địa bàn huyện đã thu hoạch dứt điểm và không bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra. Nông dân đã tuân thủ lịch khuyến cáo của địa phương, gieo sạ sớm hơn so cùng kỳ các năm để tránh bị ảnh hưởng mặn.

Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ven biển Trần Đề cho biết: Giải pháp đảm bảo vụ Đông - Xuân của huyện là khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra nguồn nước lấy vào ruộng, cũng như trữ nước ngọt, canh tác lúa tiết kiệm nước bằng cách áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. 

Song song với việc khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ Đông – Xuân hoặc geo sạ sớm, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (gọi tắt là Dự án) cũng đã được khởi động. Dự án hướng tới mục tiêu vừa chuyển đổi mô hình trồng trọt, vừa giải quyết việc làm trong những tháng mùa khô mang lại thu nhập cao. 

Gia đình bà Lê Thị Ánh, ở ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng (huyện Long Phú) đã tận dụng hơn 2.000m2 đất không làm lúa Đông - Xuân muộn để trồng nấm rơm, với hơn 100 bịch meo giống, trong đó tiền rơm và meo giống là 2,5 triệu đồng do Dự án hỗ trợ và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc. Sau gần 1 tháng đã bắt đầu thu hoạch nấm và hiện đã bán được trên 150kg, với giá được thương lái mua tại ruộng bình quân 70.000/kg, thu về lợi nhuận hơn 6 triệu đồng và từ nay đến cuối vụ còn thu hoạch thêm hàng chục kg. 

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Để chống hạn mặn, xã khuyến cáo người dân chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng hoa màu và các loại cây giống khác, trong đó có mô hình trồng nấm rơm đang mang lại hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nhân rộng mô hình trước diễn biến phức tạp của khí hậu”.

Chia sẻ từ bài học kinh nghiệm để chủ động chống được hạn, mặn, tiến tới mục tiêu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn biến gay gắt, tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng chống hạn, mặn cũng như xây dựng kịch bản ứng phó tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn bằng các giải pháp phi công trình như khuyến cáo bà con nông dân trữ nước ngọt trong các kênh, ao nuôi tôm để đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa giai đoạn trổ bông, trước khi lấy nước kiểm tra độ mặn. 

Riêng nước sạch, để bảo đảm cung cấp cho người dân nông thôn khi hạn, mặn xảy ra, tỉnh đã phê duyệt Đề án cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn cho các xã xây dựng nông thôn mới với kinh phí 176 tỷ đồng nhằm đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước, xây dựng mới trạm cấp nước và lắp đặt hệ thống điện 3 pha cho các trạm cấp nước… Đối với cây ăn trái, tỉnh tiếp tục củng cố hệ thống đê bao, bờ bao chắc chắn tránh nước mặn xâm nhập vào, trữ nước ngọt trong ao tưới cho cây ăn trái; tiếp tục nghiên cứu đưa các loại cây trồng thích hợp với điều kiệm mùa khô gặp hạn mặn vào trồng thử nghiệm.