Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Trị: Chuyển đổi cây trồng chống hạn

PV - 14:04, 22/07/2019

Do biến đổi khí hậu nên cứ đến mùa nắng nóng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Để đối phó với thực trạng này, ngành Nông nghiệp đã tập trung chuyển đổi cây trồng phù hợp, bước đầu cho tín hiệu khả quan.

Xã Gio Phong, huyện Gio Linh là xã thuần nông, với 300ha lúa, mỗi năm trồng 2 vụ. Những năm gần đây, do thiếu nước tưới nên năng suất lúa luôn ở mức thấp, trung bình mỗi sào chỉ thu hoạch được hơn 2 tạ. Nhất là vào vụ Hè-Thu, nhiều diện tích phải bỏ hoang không gieo cấy được. Trước thực tế này, chính quyền xã đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích này sang trồng các loại cây khác như ngô, lạc, đậu xanh. Thế nhưng do thời tiết nắng nóng, những loại cây trồng này cũng bị khô cháy, kém hiệu quả.

Sau một thời gian nghiên cứu, được sự tư vấn và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện, nông dân Gio Phong đã chọn được cây dưa hấu, loại cây trồng thích hợp, chịu được hạn hán và khô nóng. Nhờ vậy mà đời sống bà con đã được cải thiện.

Nhiều hộ dân ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh chuyển sang trồng dưa hấu để thích ứng với hạn hán. Nhiều hộ dân ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh chuyển sang trồng dưa hấu để thích ứng với hạn hán.

Ông Nguyễn Khắc Hưng ở thôn Lễ Môn cho biết: Toàn bộ 5 sào đất của gia đình ông trước kia trồng lúa, nhưng luôn bị khô hạn và lắm sâu bệnh nên năng suất không cao. Gia đình đã từng chuyển 3 sào ở vùng cao hơn sang trồng ngô, nhưng khi nắng to kèm với gió Tây Nam, ngô thường bị cháy và chết nhiều, hiệu quả thấp.

Năm 2018, thấy một số hộ trong thôn trồng cây dưa hấu cho giá trị cao nên tháng 4/2019 vừa qua, gia đình làm theo: chuyển 3 sào đất này sang trồng dưa hấu. Theo ông Hưng, qua thực tế, cây dưa hấu chịu được nắng hạn, đặc biệt nắng hạn thì dưa càng ngọt và nhiều nước.

Bên cạnh đó, trồng dưa hấu chi phí đầu tư ít hơn và cũng ít sâu bệnh hơn. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch ngắn (khoảng 70 ngày). Dưa hấu trái vụ thường được trồng từ tháng 4 (âm lịch), vì trái vụ nên dễ tiêu thụ và được giá. Trung bình trên 1 sào, thu hoạch được 5-6 tạ dưa hấu sẽ thu được trên 5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, vẫn lãi gần 4 triệu đồng. “Qua so sánh, nếu trồng lúa trên cùng một diện tích thì tôi chỉ thu được khoảng 1,5 tạ, bán được 500-600 ngàn đồng, chưa tính công sức bỏ ra. Vì vậy, trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn trồng lúa”, ông Hưng cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Phong, ông Nguyễn Văn Út cho biết: Toàn xã có 300ha lúa nước, tuy nhiên thường xuyên phải đối diện với hạn hán nên giá trị kinh tế không cao. Để tăng giá trị thu nhập cho bà con, chính quyền xã đã tuyên truyền người dân chuyển đổi các diện tích thường xuyên khô hạn sang trồng cây dưa hấu trái vụ (trồng vào tháng 4).

Lúc đầu chỉ có mấy hộ tham gia, nhưng thời gian sau, thấy trồng dưa đem lại giá trị cao trên đất khô hạn nên đến nay đã có hàng chục hộ trồng dưa, với diện tích gần 20ha. 1 sào dưa hấu, người dân có thể lãi từ 5-7 triệu đồng, trong khi nếu trồng lúa thì chỉ lãi chưa đến 1 triệu đồng. Năm trước, xã có hỗ trợ cho người dân mỗi sào 100 ngàn đồng để khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, sản xuất vụ Hè-Thu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân trồng dưa hấu trái vụ nhằm tăng hiệu quả canh tác trên cùng một đơn vị diện tích.

Theo ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, quan điểm của huyện là, khuyến khích các địa phương chuyển đổi cây trồng làm sao có lợi cho dân nhằm tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế. Qua thực tế ở xã Gio Phong cho thấy, các cây trồng như lúa, ngô, lạc trên diện tích thường xuyên bị khô hạn chuyển sang trồng dưa hấu rất hiệu quả.

“Huyện xem đây là mô hình mà các xã thường xuyên bị hạn hán vào mùa nắng nóng có thể khảo sát học hỏi. Huyện cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tổ chức hội thảo đầu bờ, mời người dân tham quan mô hình ở Gio Phong. Đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho dưa hấu, tránh tình trạng trồng ồ ạt không tiêu thụ được…”, ông Chủ tịch cho hay.

MINH THỨ