Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ động các giải pháp chống hạn

PV - 14:00, 29/05/2018

Theo UBND huyện Khánh Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay, trời không có mưa, thời tiết nắng hạn kéo dài. Trong khi đó, trên địa bàn huyện không có hồ chứa để tích trữ nước trong mùa khô.

Toàn huyện chỉ có hơn 30 đập dâng nhỏ, lưu vực không lớn, khả năng tích nước không nhiều nên sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nước của khoảng 20 nhánh sông, suối.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nếu tình hình nắng hạn tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, dự kiến toàn huyện có hơn 1.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp và mía tím bị thiếu nước tưới, một số địa bàn khu dân cư sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Để hạn chế ảnh hưởng do hạn hán gây ra đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, ngay từ đầu mùa khô, huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án chống hạn sát với tình hình thực tế từng địa phương.

Người dân Khánh Sơn chủ động đào những ao nhỏ để tích nước chống hạn. Người dân Khánh Sơn chủ động đào những ao nhỏ để tích nước chống hạn.

 

Trong thời gian này, các xã, thị trấn đang tích cực tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao và làm đập tạm để tích nước; vận động nông dân tranh thủ nguồn nước trên các sông suối để bơm tưới cho cây trồng, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Đồng thời, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số lắp đặt đường ống nước vào tận nhà (theo Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh).

Các xã, thị trấn cũng đã có kế hoạch khoan giếng để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong tình huống hạn hán diễn ra gay gắt, hệ thống nước tự chảy không đủ khả năng cấp nước cho người dân.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp thông tin, chính quyền địa phương đã chủ động múc 9 ao tích trữ nước tại 2 thôn Tà Lương và Dốc Gạo để cung cấp nguồn nước cho người dân sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, đề xuất cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa, khắc phục hệ thống đường ống nước vào khu vực Tập đoàn 8 (hiện nay đã bị hư hỏng). Dự kiến, thị trấn sẽ tiến hành khoan thêm 3 giếng nước tại 2 thôn nói trên để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn trong thời gian tới.

Ngoài ra, địa phương cũng tuyên truyền cho bà con tranh thủ nguồn nước sông Tô Hạp vẫn còn để tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân vay vốn để khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Bà Cao Thị Lánh, ở thị trấn Tô Hạp cho biết, năm 2016, gia đình trồng khoảng 2 sào cà phê. Tuy nhiên, do không có điều kiện đầu tư hệ thống tưới nên phần lớn diện tích cà phê mới trồng bị chết do nắng hạn. Năm 2017, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ trồng thêm 1 sào chôm chôm. Với tình hình nắng hạn kéo dài trong thời gian qua, để tránh tình trạng tiếp tục bị thiệt hại do thiếu nước, gia đình bà đã vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư hệ thống tưới cho cây trồng.

Nhờ chủ động các phương án chống hạn, bước đầu đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, về lâu dài, để chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân, huyện Khánh Sơn đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng các công trình hồ chứa nước ở các khu vực như: xã Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc… để tích nước vào mùa khô và điều tiết nước trong mùa mưa.

“Vừa qua, tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng đập dâng Suối Mả, xã Sơn Lâm. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào sử dụng, nhằm đảm bảo nguồn nước cho người dân phát triển sản xuất. Ngoài ra, tỉnh đã đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 giếng khoan tại xã Ba Cụm Nam trong thời gian tới”, ông Phan Văn Sửu cho biết thêm.

THÀNH NHÂN