Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sli mang tâm tình của người Nùng xứ Lạng: Để câu sli vang mãi (Bài 3)

Thuý Hồng - 10:14, 18/10/2022

Để bảo tồn làn điệu hát sli, nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Nùng, hàng năm, các ngành, các cấp tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tổ chức các lễ hội để bà con có không gian giao lưu, bảo tồn nét văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, cần có kế hoạch với các giải pháp đồng bộ, cụ thể hóa các nội dung đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ loại hình dân ca hát sli đặc sắc này.

Những gương mặt tham gia hát sli tại các ngày lễ, ngày hội lại đang dần thiếu vắng những lớp người trẻ tuổi (Ảnh: Chu Minh)
Những gương mặt tham gia hát sli tại các ngày lễ, ngày hội lại đang dần thiếu vắng những lớp người trẻ tuổi (Ảnh: Chu Minh)

Thiếu vắng lớp kế cận

Để bảo tồn làn điệu sli, từ năm 2010, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh, với nhiệm vụ vận động những người hát sli lâu năm ở khắp các vùng quê vào các câu lạc bộ (CLB) hát sli; các CLB trực thuộc Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 50 CLB, tổ đội hát sli, với gần 1.000 hội viên tham gia trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú, được phân bố ở 11 huyện, thành phố của tỉnh.

Công tác bảo tồn duy trì hát sli tại một số lễ hội, chợ hội được các CLB tổ chức khá tốt. Các CLB đã tích cực tham gia các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh, nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của dân tộc mình. 

Năm 2019, hát sli của dân tộc Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, những gương mặt tham gia hát sli tại các ngày lễ, ngày hội lại đang dần thiếu vắng những lớp người trẻ tuổi.

Có mặt tại Khu công viên Hoàng Văn Thụ vào đầu tháng 9, nơi có hàng nghìn người từ khắp các vùng quê về đây tụ hội và tham gia giao lưu hát sli. Tuy nhiên, hiếm thấy có những gương mặt thanh niên, chủ yếu là các những người già từ 50 tuổi đến 70 tuổi.

Bà Lâm Thị Liêm, Chủ nhiệm CLB hát sli Nùng Phàn Slình xã Xuân Long, huyện Cao Lộc  cho biết: Trước đây, người dân tộc Nùng thế hệ như của tôi khoảng 14, 15 tuổi hầu như ai cũng biết hát sli. Nhưng bây giờ người trẻ nhất biết hát sli cũng đã 50 tuổi rồi.

Trước kia, lớp trẻ 14, 15 tuổi đã biết hát sli, nay người biết hát trẻ nhất cũng đã ở tuổi 50 (Ảnh: Chu Minh)
Trước kia, lớp trẻ 14, 15 tuổi đã biết hát sli, nay người biết hát trẻ nhất cũng đã ở tuổi 50 (Ảnh: Chu Minh)

Còn bà Ma Thị Kheo, một nghệ nhân sli rất giỏi ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cũng trăn trở nói: " Ngay trong gia đình thôi, đù đã được bà động viên, nhưng bọn trẻ lớp con cháu đến giờ cũng không có đứa nào biết hát sli cả, chúng nó chỉ hát nhạc trẻ thôi”.

Hiện nay, ở các xã cũng đã thành lập được nhiều CLB hát sli để giúp người dân có môi trường giao lưu, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, các CLB  do hội viên tự đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động nên khó thu hút được các hội viên tham gia sinh hoạt, đặc biệt là lớp trẻ.

Ngay như  CLB hát sli Nùng Phàn Sình ở xã Xuân Long, huyện Cao Lộc do bà Lâm Thị Liêm làm Chủ nhiệm, thành lập năm 2010, ban đầu có khoảng 50 hội viên tham gia rất nhiệt tình và sôi nổi. Nhưng do CLB phải tự túc kinh phí hoạt động nên dần dân nhiều thành viên đã bỏ sinh hoạt.

Ông Phan Văn Muộn, Chủ tịch hội Bảo tồn dân ca Lạng Sơn cho biết: Năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Để bảo tồn dân ca hát sli của đồng bào dân tộc Nùng, Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động, tạo phong trào sôi nổi để gìn giữ, phát huy các giá trị dân ca, từ đó hát sli, ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở. 

Trong công tác truyền dạy, các nghệ nhân đã tổ chức mở được trên 100 lớp truyền dạy, nâng cao kỹ năng đàn, hát dân ca, cho học viên. Tuy nhiên, thành viên của các CLB vẫn chủ yếu là người cao tuổi, chưa thu hút được lớp trẻ.

Cần sớm hiện thực hoá đề án bảo tồn

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Sau khi hát sli được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo tồn hát sli, trong đó tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp truyền dạy hát sli, xem xét cơ chế đãi ngộ hợp lý để hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân, CLB hát sli tại cơ sở, phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca tiếp tục đưa hát sli về các chợ phiên truyền thống tại các huyện.

Cần có sớm đưa hát sli vào truyền dạy trong trường học (Ảnh: Chu Minh)
Cần có sớm đưa hát sli vào truyền dạy trong trường học (Ảnh: Chu Minh)

Được biết, trong giai đoạn 2020 – 2021, Sở Văn hoá thể Thao và Du lịch cũng đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án trình UBND tỉnh để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa giá trị của loại hình dân ca đặc sắc này. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch đưa đưa dân ca hát sli vào trường học…

Theo ông Phan Văn Muộn, những năm gần đây, hằng năm Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá đưa các làn điệu dân ca vào trường học, thành lập các CLB để sinh hoạt và truyền dạy. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch vẫn có nhiều vướng mắc, như chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa ngành văn hoá với ngành giáo dục, chưa có cơ chế về kinh phí triển khai bồi dưỡng cho các nghệ nhân truyền dạy…

Đặc biệt, cái khó của hát sli, đây là hình thức diễn sướng, được truyền dạy bằng miệng và đối đáp nên cần biên soạn những bài hợp với lứa tuổi, để lớp trẻ hiểu và tiếp nhận. Bên cạnh đó, cần phải mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng truyền dạy hát dân ca cho các nghệ nhân để truyền dạy cho các em học sinh

"Nói cụ thể hơn là Lạng Sơn cần có một kế hoạch, với các giải pháp cụ thể hoá các nội dung đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ loại hình dân ca hát sli đặc sắc này", ông Phan Văn Muộn nhấn mạnh.