Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Vũ Mừng - 17:15, 26/04/2024

Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối bắt đầu được thổi hồn, thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, là “hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần, của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.

Người dân thôn Bàn Thạch háo hức mong chờ các tiết mục rối nước trong đêm hội làng. Ảnh: Vũ Thanh Nam
Người dân thôn Bàn Thạch háo hức mong chờ các tiết mục rối nước trong đêm hội làng. Ảnh: Vũ Thanh Nam

Phác họa lịch sử

Với người dân thôn Bàn Thạch còn gọi là làng Rạch, thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nghệ thuật múa rối nước, là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, loại hình nghệ thuật rối nước đã được nhắc tới cách đây gần 1000 năm. Căn cứ theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 thời vua Lý Nhân Tông tại chùa Đọi (Hà Nam) có ghi, Nhân dân bày trò rối nước cho vua xem với ba câu thơ minh họa cả lời và động tác: “Nàng tiên từ trên không sa xuống/ Cất lên tiếng hát véo von/ Ca ngợi công đức đầu tiên của vị vua hiền”.

Còn tại Bàn Thạch, theo nhiều tư liệu còn được lưu giữ tại địa phương, vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) cụ Mai Văn Kha làm nghề thợ chạm, đã đứng ra tập hợp những người biết múa rối trong thôn lập nên phường rối nước. Sẵn nghề tạc tượng, sơn mài, các thành viên phường rối đã tự tạo tác nên các con trò như: Chú tễu, tiên nữ, long, ly, quy, phượng…

Trải qua gần 300 năm lưu giữ và phát triển, cùng với Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình), Nhân Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hay Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), thôn Bàn Thạch cũng được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước miền Bắc. Những nghệ nhân rối nước của Bàn Thạch còn lưu giữ hơn 40 tích trò cổ. Hầu hết các tích trò đều bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật gắn liền với người nông dân như cấy lúa, câu cá, chăn trâu, đánh đu… 

Ngoài ra, còn có những tiết mục biểu diễn theo cốt truyện truyền thuyết hoặc được dàn dựng mới, với nội dung phản ánh cuộc sống, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống tương thân, tương ái… giàu ý nghĩa nhân văn.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng Đoàn rối nước tư nhân Sông Quê giao lưu cùng các em nhỏ. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng Đoàn rối nước tư nhân Sông Quê giao lưu cùng các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Về Bàn Thạch, tìm thăm nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng Đoàn rối nước tư nhân Sông Quê ông khẳng định, tại một đất nước nông nghiệp với văn hóa lúa nước từ lâu đời, kết hợp với điều kiện tự nhiên môi trường nhiệt đới và nguồn nước phong phú như Việt Nam, múa rối nước có đủ các yếu tố thuận lợi để ra đời. Hơn nữa, bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, người nông dân cũng có nhu cầu giải trí và tìm đến các hoạt động gắn kết cộng đồng như rối nước. 

Thổi hồn vào “nhân vật”

Để tạo nên một đời sống tinh thần huyền ảo trên mặt nước thông qua các nhân vật, người dân làng Rạch khéo léo khai thác tính động của nước, hỗ trợ cho quân rối trở nên tinh tế, xóa đi sự thô cứng của gỗ, tạo nên màn diễn tưng bừng, náo nhiệt.

Những con rối được tạo tác bởi bàn tay nghệ nhân làng Bàn Thạch
Những con rối được tạo tác bởi bàn tay nghệ nhân làng Bàn Thạch

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm, tác giả của chú Tễu đang trưng bày tại Bảo tàng Louver (Pháp) cho biết: “Rối nước là nghệ thuật dân gian, sinh ra bởi bàn tay con người, nên sẽ có tròn có méo, không có gì là hoàn hảo theo khuôn mẫu, nhưng phải có vậy thì mới trân quý từng quân rối được làm ra. Con rối chính là khối sống, khối cử động được, còn tượng đơn thuần là khối chết, có khuôn mẫu nhân vật”.

Quả thực, nghệ thuật trong tạo hình con rối được thể hiện rất tự nhiên, mang tính kinh nghiệm, trải nghiệm chứ chưa có lý luận, khuôn mẫu nào. Điều này cũng nói lên bản chất của nghệ thuật dân gian, nghệ thuật làng quê, là trao truyền bằng kinh nghiệm, tiếp nối theo thế hệ. 

Tuy nhiên, khi tạo tác rối, người thợ cũng phải lưu ý tới tính cách nhân vật để tạo hình. Và cũng phải khẳng định rằng, quá trình tạo hình rối ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi truyền thống điêu khắc dân gian, nghệ thuật đình làng và cả điêu khắc cung đình.

Tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghệ thuật rối nước
Tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghệ thuật rối nước

Để những con rối vô tri được thổi hồn, không thể không nhắc tới kỹ thuật điều khiển của những người nghệ sĩ. Theo các nghệ sĩ trong Đoàn rối nước Bàn Thạch, múa rối nước là bộ môn hoàn toàn được điều khiển thủ công bởi bàn tay người nghệ sĩ, chứ không hề có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, sẽ có một vài chi tiết bên lề sẽ cần có máy móc, chẳng hạn như cảnh con cáo chạy lên cây cau sẽ cần có thêm sự hỗ trợ thô sơ từ máy móc.

Do việc điều khiển con rối hoàn toàn thủ công, người nghệ sĩ luôn phải tập luyện hàng ngày để kỹ năng thuần thục và điêu luyện nhất. Cũng bởi vậy, mỗi nghệ sĩ lại có một cách thể hiện các con rối khác nhau, cách cảm nhận tiết tấu và không gian khác nhau, tạo nên nét diễn riêng biệt mà khó ai có thể bắt chước được. Họ là những người luôn đứng đằng sau để những con rối sặc sỡ được tỏa sáng, mang đến những tiếng cười và sự thích thú cho mỗi khán giả.

Trình diễn múa rối nước tại Lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định
Trình diễn múa rối nước tại Lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định

Gắn bảo tồn với phát triển du lịch

Bàn Thạch cũng là địa phương có công “giới thiệu” nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân Bàn Thạch được mời sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi ấy, đoàn có 12 người, trong đó làng rối Nguyên Xá 4 diễn viên chỉ góp một tiết mục “cáo bắt vịt”. Còn lại 5 người của làng Bàn Thạch và 3 người do làng truyền nghề tham gia 13 tiết mục. Những tiết mục của đoàn biểu diễn đã làm cho công chúng thủ đô ánh sáng phải xôn xao, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Nhiều năm gần đây, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách quốc tế, nhiều công ty du lịch đã đến tìm hiểu và “bắt tay” với người dân làng Rạch để khai thác, đưa du khách đến. Tuy hoạt động phục vụ khách du lịch mới bắt đầu được mở rộng, nhưng đây thực sự là hướng đi tích cực, tạo động lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề rối nước ở làng Rạch.

 Nhờ vậy, ngoài việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước truyền thống trước nguy cơ mai một, người dân làng Rạch hiện đã có thể “sống khỏe” với nghề thông qua việc chế tác con rối và biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Rối nước trở thành món quà lưu niệm cho những du khách yêu mến bộ môn nghệ thuật này
Rối nước trở thành món quà lưu niệm cho những du khách yêu mến bộ môn nghệ thuật này

Anh Phan Văn Triển, chủ của một xưởng sản xuất rối trong làng chia sẻ, ở Bàn Thạch có hơn 20 người có thể trình diễn và 7 xưởng mộc trong làng cùng tham gia sản xuất, gia công các nhân vật phục vụ cho nghệ thuật múa rối nước. Mỗi năm xưởng của gia đình anh xuất đi gần 180 đầu rối diễn và gần 1.000 con rối làm quà lưu niệm. Doanh thu của xưởng đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. 

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, xưởng mộc của anh tạo điều kiện cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Ecohost Việt Nam cũng thông tin, trong các chương trình trải nghiệm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ tuyến Hà Nội – Nam Định, điểm đến xem múa rối nước làng Rạch luôn được du khách nước ngoài quan tâm bởi nét nghệ thuật đặc sắc vùng quê, vừa tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt đời sống người dân trong vùng.

Du khách trải nghiệm kỹ thuật làm rối nước tại làng Rạch. Ảnh: Ecohost Việt Nam
Du khách trải nghiệm kỹ thuật làm rối nước tại làng Rạch. Ảnh: Ecohost Việt Nam

Đầu năm 2023 vừa qua, UBND xã Hồng Quang đã hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng để tôn tạo thủy đình; đồng thời tạo mọi điều kiện giúp các phường rối tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài xã, giúp duy trì hoạt động bảo tồn văn hóa lâu đời.

Trong bài “Sự khám phá kỳ diệu về Rối nước Việt Nam”, ký giả Pháp Pơrô, trên báo Thập tự, 10/3/1984 đã viết ngợi khen không chút dè dặt: “Từ đồng bằng châu thổ sông Hồng đến thẳng nơi đây, những con rối nước Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử nghìn năm của chúng đang sống những cuộc phiêu lưu trong các bể nước nhỏ của Châu Âu. Nhưng cái không gian bó hẹp ấy không hề làm giảm bớt di sức quyến rũ của chúng…Nhưng người ta thực sự cảm động khi tấm mành tre cuốn lên vào phút chót, để lộ ra những diễn viên điều khiển con rối suốt cả tiếng đồng hồ vừa qua, họ đã đứng ngập nửa mình trong nước, điều khiển cây sào với vô số dây nhợ mà không để lộ ra kỹ thuật của họ. Sự giải trí nhường chỗ cho lòng kính trọng thái độ trung thành với truyền thống của một xứ sở mà sự tràn trề sông nước ở khắp nơi đã tạo nên một cách sống và một nền nghệ thuật độc đáo…”.