Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ninh: Thêm chính sách hỗ trợ người dân vùng DTTS đóng Bảo hiểm Y tế

Mỹ Dung - Phạm Học - 15:11, 20/05/2024

Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm "mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm", tại Kỳ họp thứ 18, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2025. Quyết sách này sẽ giúp rất nhiều người dân vùng DTTS thuộc hộ cận nghèo, làm kinh tế vườn rừng, nông nghiệp, ngư nghiệp tiếp cận được BHYT.

Cán bộ BHXH tỉnh và BHXH huyện Đầm Hà phổ biến cơ chế, chính sách về BHYT cho người dân
Cán bộ BHXH tỉnh và BHXH huyện Đầm Hà phổ biến cơ chế, chính sách về BHYT cho người dân

Theo Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND, người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 sẽ được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ; như vậy đối tượng này được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; tổng kinh phí hỗ trợ gần 4 tỷ đồng.

 Hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; như vậy đối tượng này sẽ được hưởng 80% mức đóng BHYT; tổng kinh phí hỗ trợ hơn 40,8 tỷ đồng. Đây thực sự là niềm vui chung của 8.064 người thuộc hộ cận nghèo và 82.400 người thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Cùng tâm trạng như 205 hộ cận nghèo huyện Tiên Yên, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND, gia đình ông Lương Văn Hoàn (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) rất phấn khởi. Ông Hoàn chia sẻ: "Khi còn là hộ nghèo và nay là hộ cận nghèo, tỉnh và huyện luôn quan tâm các đối tượng như gia đình tôi, như tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, nhà ở, nước sạch... và giờ là hỗ trợ 100% BHYT, giúp gia đình giảm bớt gánh nặng cuộc sống, có điều kiện tốt hơn để bảo vệ sức khỏe".

Bình Liêu là huyện biên giới, với trên 90% là đồng bào DTTS sinh sống, đời sống nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khai thác, phát triển đối tượng trên địa bàn. Bà Ngô Thị Thủy, Phó Giám đốc BHXH huyện Bình Liêu cho biết: “Ngay khi có kế hoạch giao, BHXH huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, chia thành nhóm nhỏ để đến từng chợ, gia đình vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; phối hợp bưu điện thực hiện hội nghị tuyên truyền trực tiếp; phối hợp với hội phụ nữ triển khai tới từng hội viên...”.

Với phương châm “Tất cả vì hạnh phúc Nhân dân”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện Ba Chẽ cũng đã đặt mục tiêu cuối năm 2024 không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo trung ương; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 50% so với năm 2023 theo chuẩn của tỉnh, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, BHYT… 

Theo bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ba Chẽ, huyện luôn ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nghèo bền vững quan tâm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Người dân huyện Ba Chẽ tìm hiểu các chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình
Người dân huyện Ba Chẽ tìm hiểu các chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình

Theo thống kê, trong năm 2024 và 2025, Quảng Ninh sẽ dành khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo và hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, khá cao so với một số tỉnh, thành khác. 

Nhằm mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH), tiến tới mọi người dân đều tham gia BHXH, hàng năm BHXH tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về BHXH đến toàn thể người dân, tăng cường công tác tuyên truyền đến tận thôn, bản, xã để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và xã hội tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của người tham gia BHYT thuộc nhóm đối tượng do ngành quản lý; đồng thời hướng dẫn các địa phương rà soát số người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong thực hiện quy trình, thủ tục.

Triển khai chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời cũng là giải pháp để thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95,75% theo Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Sau gần 4 năm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng về kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện.