Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sóc Trăng: Bảo hiểm y tế chia sẻ gánh nặng tài chính cho đồng bào DTTS khi ốm đau

N. Tâm - 06:06, 08/12/2023

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 35,76%), trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, trong đó chú trọng chính sách an sinh chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân bằng BHYT, qua đó, giúp đồng bào DTTS không còn lo lắng khi bị bệnh vì đã có tấm thẻ BHYT để đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bà Lâm Thị Hường ngụ khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng là đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế thuộc hộ gia đình khó khăn
Bà Lâm Thị Hường ngụ khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng là đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế thuộc hộ gia đình khó khăn

Bảo hiểm y tế giúp đồng bào DTTS đỡ gánh nặng

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHYT cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, do đó các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả. Chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, biên giới biển được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Thành Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế. Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ BHYT của các bộ, ngành, Trung ương, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành chức năng tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chế độ cho người dân tộc thiểu số. Trong đó, việc cấp thẻ BHYT đối với người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn được quan tâm, hàng năm bố trí ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng theo quy định.

Là người dân tộc Khmer, thuộc diện gia đình hộ cận nghèo, những năm qua, gia đình ông Lâm Ngọc Hồng, ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đều được cấp thẻ BHYT. Cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, không ruộng nương, sống bằng nghề làm thuê và mua bán nhỏ, trong năm vừa rồi ông bị bệnh phổi ứ nước, nhờ có thẻ BHYT nên tiền thuốc men hàng tháng của ông được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, vì vậy gia đình đỡ phần gánh nặng.

Ông Hồng chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ tham gia BHYT chỉ đỡ đi phần nào chi phí khám, chữa bệnh. Nhưng khi tôi bị bệnh phải điều trị lâu dài, lúc đó tôi mới hiểu rằng tấm thẻ BHYT có giá trị vô cùng to lớn. Tôi rất biết ơn chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với người DTTS”.

Hay hoàn cảnh của bà Lâm Thị Hường (65 tuổi), ngụ khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng, bà có xe bán nước giải khát cho khách du lịch trong chùa gần nhà, hàng ngày bà bỏ ống heo 20 ngàn để mua BHYT, cứ 3 tháng bà ra phường mua bảo hiểm 1 lần, nhưng thời gian gần đây mua bán khó khăn không có dư để mua bảo hiểm.

 Cuối tháng 11/2023 bà được phường xét bà thuộc diện khó khăn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Bà Hường chia sẻ: "Già rồi nên cô phải thủ cái thẻ bảo hiểm phòng khi ốm đau, từ hôm không mua nổi nữa cô lo lắm, giờ thì yên tâm rồi, có trái gió trở trời có cái thẻ bảo hiểm mới được cấp này hộ mệnh".

Theo ông Lâm Thanh Thiên, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng, hằng năm, để thẻ BHYT kịp thời đến tay người dân, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho bà con, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương đẩy mạnh việc rà soát, lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho đối tượng người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. 

Các hình thức khác nhau , chính quyền địa phương luôn hướng đến chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng một cách tốt nhất
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Đảm bảo chính sách trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT

Để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào DTTS, từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 139 cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó có 111 trạm y tế, 24 cơ sở tuyến huyện và tương đương, 4 bệnh viện tuyến tỉnh, vì vậy người dân có thể được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất.

Đồng thời, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS được khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh, mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Bên cạnh đó, đồng bào khi đi khám chữa bệnh vẫn được các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí theo chế độ cho người tham gia BHYT, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo đúng quy định.

Về chất lượng khám, chữa bệnh, hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816… nên đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến, tạo niềm tin cho người dân trong tỉnh. Mức độ sử dụng thẻ BHYT của đồng bào dân tộc trong thăm, khám chữa bệnh ngày càng tăng.

 Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Thanh Thiên khẳng định, việc thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào DTTS vùng khó khăn, đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào DTTS để hiểu về quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ BHYT; đồng thời, hướng dẫn đồng bào cài đặt và sử dụng hình ảnh thẻ trên ứng dụng VssID-BHXH số hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh BHYT, giúp đồng bào  thuộc vùng khó khăn được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.