Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

T.Nhân - H.Trường - 18:55, 03/12/2024

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Các địa phương miền núi Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ người dân phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Các địa phương miền núi Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ người dân phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Nhiều mô hình thành công

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Tây đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đơn cử, như thực hiện dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, các xã trên địa bàn huyện đã hỗ trợ 41 dự án nhóm cộng đồng, với kinh phí gần 14 tỷ đồng, trong đó tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng ổi, bưởi, chăn nuôi bò và heo ky (lợn) sinh sản.

Tại xã Sơn Liên, Sơn Tinh, Sơn Long chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, heo, dê, gà. Đồng thời, định hướng cho người dân phát triển những cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, như mô hình trồng bưởi, cam Vinh. Từ đó, người dân chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế.

Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gừng gió (hay còn gọi là gừng sẻ) là 1 trong 8 dự án được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện miền núi Trà Bồng. 

Anh Hồ Văn Nghĩa, xã Sơn Trà, trồng liên kết 0,6ha gừng gió cho biết: Cây gừng gió được trồng trong 9 tháng (từ tháng 4-12 âm lịch), ở độ cao trên 1.000m xen canh với cây lúa rẫy để giữ độ ẩm, cây gừng sẽ sinh trưởng tự nhiên không có chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy củ và lá gừng luôn giữ được hương thơm đặc trưng. Với 0,6ha gừng gió, sản lượng hơn 3 tấn, với giá bán hiện tại được hợp tác xã liên kết thu mua trên 35.000 đồng/kg gia đình tôi đang có thu nhập 100 triệu đồng mỗi vụ.

Cây gừng gió mang lại thu nhập cao cho người dân Trà Bồng
Cây gừng gió mang lại thu nhập cao cho người dân Trà Bồng

Không chỉ phát triển cây gừng gió, huyện Trà Bồng còn triển khai Dự án hỗ trợ liên kết sản xuất quế theo hình thức chuỗi giá trị tại 13 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng diện tích cây quế, dần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi giá trị phát triển cây quế. Hỗ trợ tư vấn lập dự án; giống, vật tư, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc và bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện trà Bồng cho hay: Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trà Bồng sẽ trồng hơn 2.300ha dược liệu tại các xã Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà; trong đó, có 180ha cây dược liệu dưới tán rừng, 30ha trồng áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, hình thành 02 Khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết suất đạt tiêu chuẩn GMP và GSP từ quế và các dược liệu khác ở Trà Bồng. 

Phát triển cây dược liệu ở Trà Bồng có sự liên kết đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp, sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định tối thiểu 1.500 lao động trên địa bàn huyện, trong đó tối thiểu trên 50% lao động là người DTTS.

Mô hình chăn nuôi trâu ở các huyện miền núi Quảng Ngãi phát huy hiệu quả
Mô hình chăn nuôi trâu ở các huyện miền núi Quảng Ngãi phát huy hiệu quả

Tích cực hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi có nhiều mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân địa phương và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trong đó, nhiều mô hình, dự án đã được các địa phương chủ động nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn VietGap; vùng chuyên canh cây ăn quả; trồng ngô sinh khối; chăn nuôi bò vỗ béo; nuôi lợn rừng lai...

Thực hiện Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) thuộc Chương trình MTQG 1719, các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng… được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Điển hình như: Dự án liên kết gắn với sản xuất trong trồng và tiêu thụ cây dược liệu; sản xuất chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm tre lấy măng; sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ heo ky theo chuỗi giá trị; trồng sả chanh kết hợp chăn nuôi gia súc; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế; sản xuất chế biến tiêu thụ cây gừng gió…

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức Hội nghị thông tin thu hút, ký cam kết đầu tư giữa doanh nghiệp và chính quyền các huyện miền núi. Kết nối để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh; tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương; tập huấn phát triển sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và livestream bán hàng trực tuyến cho đoàn viên thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn.

Ngoài đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tỉnh QUảng Ngãi còn hỗ trợ người dân miền núi quảng bá sản phẩm
Ngoài đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi còn hỗ trợ người dân miền núi quảng bá sản phẩm

Theo ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông mới đảm bảo, có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. 

Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu chất lượng, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.

“Mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi”, ông Võ Phiên cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.