Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên kết sản xuất nông nghiệp để gia tăng giá trị

Minh Thu - 06:09, 29/07/2024

Thời gian gần đây, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang tạo được dấu ấn rõ nét. Trong đó, nổi bật là các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Các hợp tác xã ở huyện Quế Sơn đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, tích cực tiếp sức cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: T.H).
Các hợp tác xã ở huyện Quế Sơn đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, tích cực tiếp sức cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: T.H).

Gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân và HTX từ 1,3-1,5 lần

Tại huyện Thăng Bình, trong nỗ lực phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), toàn huyện đã thành lập và duy trì 64 HTX và khoảng 100 tổ hợp tác liên kết sản xuất trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi.

Điển hình là HTX Nông nghiệp Bình Đào, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình - đơn vị vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu năm 2023 và là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam thực hiện tích tụ ruộng đất với diện tích trên 85ha.

Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp Bình Đào đã phát huy vai trò trong sản xuất nông nghiệp khi thực hiện tốt việc hỗ trợ, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động và 30 lao động thời vụ với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào, ngoài việc mở rộng đa dạng các dịch vụ kinh doanh, HTX còn kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Điển hình như: sản xuất lúa gạo chất lượng cao; mô hình thâm canh cây mè - lạc thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống.... Qua đó, đã góp phần tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân và HTX từ 1,3-1,5 lần.

Hay như ở huyện Quế Sơn, nơi có 40 hợp tác xã (HTX), trong đó có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Hoạt động của các HTX Nông nghiệp đã và đang được duy trì, phát triển, từng bước khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Những năm qua, Quảng Nam đã hình thành được rất nhiều vùng liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa.
Những năm qua, Quảng Nam đã hình thành được rất nhiều vùng liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa

Theo ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, để góp phần thúc đẩy hoạt động của các HTX trong sản xuất nông nghiệp, huyện luôn quan tâm và có chính sách hỗ trợ các HTX duy trì hoạt động, từng bước phát triển và đi vào nề nếp. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con nông dân, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Tập trung thực hiện tốt việc hướng dẫn, chủ trì liên kết sản xuất nông nghiệp

Với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX một cách bền vững, thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình HTX. Đặc biệt chú trọng phát triển các HTX sản suất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế và Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, địa phương lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập về đất đai, thuế, tín dụng... cho HTX; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao....

Liên kết sản xuất giúp nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm nông nghiệp, vì đã có doanh nghiệp đảm nhận việc tiêu thụ.
Liên kết sản xuất giúp nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm nông nghiệp, vì đã có doanh nghiệp đảm nhận việc tiêu thụ

Theo đánh giá, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt việc hướng dẫn, chủ trì liên kết sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền các mô hình, dự án liên kết sản xuất có hiệu quả bằng nhiều hình thức… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân và thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình, dự án triển khai có hiệu quả để tìm kiếm đối tác, kêu gọi đầu tư, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh, tính đến cuối năm 2023 trên địa bàn Quảng Nam đã có 81 dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết (gọi chung là dự án liên kết) được phê duyệt. Các dự án liên kết đã thu hút 80 HTX và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi (trong đó có 75 HTX và 6 doanh nghiệp làm chủ trì dự án) với 17.261 hộ dân; tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.