Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS

Hoàng Minh - Ngọc Chí - 10:45, 23/11/2023

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; trong đó có lao động người DTTS, là giải pháp quan trọng để nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Chính vì vậy, thời gian qua Quảng Ngãi đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, coi đây là “chìa khóa” góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quảng Ngãi Tập trung tuyên truyền để người lao động dân tộc thiểu số mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Quảng Ngãi tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động dân tộc thiểu số tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm

Anh Trần Ngọc Sang, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi từng đi lao động theo hợp đồng tại Hàn Quốc 9 năm. Theo anh Sang, công việc ở nước ngoài tuy vất vả nhưng có thu nhập cao. Kết thúc hợp đồng lao động trở về quê, anh Sang đã có nguồn vốn để đầu tư làm ăn. Anh Sang đã mở tiệm cắt tóc và buôn bán cây cảnh. Cuộc sống của gia đình anh khá ổn định. Anh Sang cho biết, bản thân chỉ học hết THPT, nếu không chọn đi làm việc tại nước ngoài mà ở lại quê hương làm lao động phổ thông, chắc chắn bây giờ không thể có một số tiền lớn để làm vốn.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, nhờ có chương trình đưa người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhiều gia đình trên địa bàn huyện đã có tiền để sửa sang, xây dựng nhà cửa, mua nhiều đồ dùng sinh hoạt và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS ở khu vực miền núi Quảng Ngãi đã từ bỏ dần việc mưu sinh dựa vào khai thác lâm sản, làm nông nghiệp để tìm cơ hội việc làm khác. Trong số đó, có rất nhiều người dân, nhất lao động trẻ chọn cách “ly hương” đến các tỉnh, thành phố khác để xin vào làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nông trường trồng cao su, cà phê. Một bộ phận chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Khi nhận thấy nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, nhà máy có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu cho đồng bào DTTS đến tìm việc làm. Cùng với đó, các huyện miền núi cũng tổ chức nhiều phiên chợ giới thiệu việc làm để tạo cơ hội cho người lao động nắm bắt được thông tin, nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi học nghề, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nhiều thanh niên DTTS đã khởi nghiệp thành công
Sau khi học nghề, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nhiều thanh niên DTTS đã khởi nghiệp thành công

Khi đa số lao động trẻ ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi chọn cách đi làm công nhân, xuất khẩu lao động, vẫn có không ít người tiếp tục gắn bó với quê hương tìm hướng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Nhờ triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 về phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang giúp các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi có cơ hội hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho đồng bào DTTS.

Là hộ nghèo, năm 2022, anh Đinh Văn Hùng, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ một con bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Sau khi nhận bò, anh còn được tạo điều kiện tham gia học lớp đào tạo nghề ngắn hạn 3 tháng về chăn nuôi gia súc gia cầm. Anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi mua thêm bò để phát triển kinh tế gia đình. Cũng nhờ học nghề nên anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nhất là nhận biết được các loại bệnh thường gặp ở bò.

Còn gia đình chị Hồ Thị Thu, dân tộc Co, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi từng là hộ nghèo, cả hai vợ chồng không có việc làm. Cuối năm 2021, chị Thu được tham gia lớp học nghề Kỹ thuật chăn nuôi - thú y, có kiến thức, chị Thu mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi lợn thịt. Nhờ được học nghề, chị Thu biết cách chăm sóc, phòng bệnh, lợn phát triển tốt. Sau gần 5 tháng thả nuôi, chị Thu đã xuất bán lứa lợn đầu tiên. Có được thành công, chị Thu mạnh dạn tái đàn, xây dựng chuồng trại khang trang hơn. Bên cạnh đó, chị được hỗ trợ 100 con gà từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. “Từ ngày được học nghề, biết cách chăn nuôi, tự phòng bệnh cho vật nuôi, tôi thấy tự tin hơn. Đến nay, gia đình không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà còn có khả năng giúp đỡ chị em khác”, chị Thu cho hay.

Việc đào tạo nghề nhằm giúp người nông dân ở các vùng nông thôn, miền núi có thêm kiến thức, trình độ để sản xuất hiệu quả hơn
Việc đào tạo nghề nhằm giúp người nông dân ở các vùng nông thôn, miền núi có thêm kiến thức, trình độ để sản xuất hiệu quả hơn

Còn tại huyện Sơn Hà công tác đào tạo nghề luôn được chú trọng. Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719, năm 2023, UBND huyện Sơn Hà đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đào tạo nghề và vận động lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện; tổ chức “Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- Định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2023”; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Sàn giao dịch việc làm hằng năm, năm 2023 đã tổ chức 2 phiên tại huyện với gần 600 người tham gia trực tiếp tại sàn và qua trang điện tử... Thông qua việc tổ chức các Sàn giao dịch việc làm, Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- Định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm hằng năm, UBND huyện đã mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo điều kiện kết nối và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người DTTS. Qua đó, đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Những kết quả trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn hơn 29.200 hộ nghèo, chiếm 7,8%; hơn 23.800 hộ cận nghèo, chiếm 6,36%.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đối cho biết: Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.