Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Yên: Công bố Quyết định công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm Xí Thoại

T.Nhân - N.Triều - 19:12, 29/02/2024

Ngày 29/2, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Lễ hội Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm và công bố Quyết định công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm Xí Thoại là Làng nghề truyền thống của tỉnh.

Lễ công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại là làng nghề truyền thống của tỉnh Phú Yên
Lễ công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại là làng nghề truyền thống của tỉnh Phú Yên

Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có 219 hộ dân sinh sống, chủ yếu dân tộc Ba Na (chiếm 95%). Nơi đây được biết đến như là cái nôi của loại hình văn hóa nghệ thuật đặt sắc Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thôn Xí thoại được công nhân là Thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào năm 2000.

Nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh được hình thành từ trước năm 1945. Lúc đầu người dân dệt ra sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho gia đình và cộngđồng dân cư. Trong quá trình giao lưu văn hóa, do sự tinh tế và tính độc đáo, sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã trở thành mặc hàng được ưu chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh nên người dân trong thôn đã duy trì nghề dệt cho đến nay.

Từ xưa đến nay, người dân thôn Xí Thoại vẫn luôn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Từ xưa đến nay, người dân thôn Xí Thoại vẫn luôn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Thời gian qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành nghề nông thôn, nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã phát triển thêm một bước mới. Khi mới khôi phục năm 2000, tổ từ 16 chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa, đến nay đã có hơn 40 hộ tham gia nghề dệt thổ cẩm. Các sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều kiểu dáng, màu sắc đáp ứng với thị hiếu người tiêu dùng và có giá cả phù hợp nên thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Những năm qua, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm vừa tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập đáng kể cho những hộ tham gia, vừa góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người đồng bào DTTS tại địa phương. Trong năm 2023: Tổng doanh thu 624 triệu đồng/năm; tổng chi phí 374,4 triệu đồng/năm; lợi nhuận 249,6 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân 6.240.000 đồng/người/năm.

Một số sản phẩm đặc trưng của làng Dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại
Một số sản phẩm đặc trưng của làng Dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại

Theo bà Đặng Thị Thủy - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên, với kinh nghiệm được tích lũy từ bao đời, người Ba Na ở Xí Thoại đã tạo nên nghề truyền thống riêng của dân tộc mình.

Việc được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực hết mình của các cấp chính quyền địa phương huyện Đồng Xuân, xã Xuân Lãnh, đặc biệt là tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người dân nơi đây đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm.

Cũng theo bà Thủy, trong thời gian tới, địa phương cần đẩy mạnh xây dựng thôn Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu và thu hút đông đảo khách du lịch đến với địa phương. Phát triển các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm mang tính hiện đại hơn để mở rộng thị trường tiêu thụ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.