Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người H’re

Minh Thu - 14:50, 07/12/2023

Văn hóa cồng chiêng cùng các làn diệu dân ca, nghề dệt thổ cẩm…. là những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào H’re cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên trước xu hướng đổi thay mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, vấn đề này vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Nghề dệt và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người H’re ở Ba Tơ
Nghề dệt và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người H’re ở Ba Tơ

Huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 82% dân số là người dân tộc H’re. Đồng bào DTTS H’re được biết đến với những di sản văn hóa vô cùng độc đáo, đặc sắc. Nơi đây có những phong trào văn hóa văn nghệ mạnh mẽ và rộng khắp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Là một Nghệ nhân Ưu tú được biết đến với những làn điệu dân ca H’re, điệu Ka Lêu, chị Đinh Thị Phước (38 tuổi) luôn mong muốn không chỉ giữ gìn được bản sắc của người H’re mà còn đem tiếng hát này bay cao, bay xa hơn nữa.

Cùng với những điệu hát truyền thống thống, các tiết mục văn nghệ của đồng bào người H’re không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Cồng, chiêng không chỉ là nhạc cụ âm nhạc mà còn là đời sống tâm linh của bà con DTTS H’re. Do nhiều yếu tố khách quan, tiếng cồng, tiếng chiêng đang dần có nguy cơ mai một. Nhờ có những già làng sưu tầm, gìn giữ mà con cháu thế hệ sau này mới biết đến nét văn hóa độc đáo này. Ông Đinh Văn Bôn, xã Sơn Trung chia sẻ: Nếu không sưu tầm, không gìn giữ lại thì các thế hệ con cháu không thể biết đến văn hóa của ông cha ta ngày xưa.

Để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc, huyện Sơn Hà đã cho xây dựng nhà văn hóa ở thôn, xã theo kiến trúc của người đồng bào dân tộc H’re. Bên cạnh đó, cho khôi phục lại làng nghề truyền thống cũng như sưu tầm lại các dụng cụ, công cụ trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Huyện Ba Tơ cũng là huyện có đến hơn 80% người đồng bào H’re sinh sống, những nét văn hóa của người H’re nơi đây luôn được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Nghề dệt thổ cẩm của người H’re, xã Ba Thành đã có từ rất lâu đời. Đây không chỉ là tài sản vô giá của dân tộc H’re mà còn chứa đựng những giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Lớp học dân ca H’re của nghệ nhân Phạm Văn Sây
Lớp học dân ca H’re của nghệ nhân Phạm Văn Sây

Những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc H’re được thể hiện trên từng sản phẩm, đi cùng với đó là đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh của đồng bào dân tộc nơi đây. Nhờ kết hợp bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc kết hợp với du lịch cộng đồng, du khách đến với huyện Ba Tơ có thể kết hợp tham quan quần thể di tích Quốc gia đặc biệt về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và trải nghiệm dệt thổ cẩm ở làng Teng. 

Không những vậy, du khách còn được thưởng thức những giai điệu đậm màu sắc dân gian, các lễ hội cầu mưa độc đáo của người dân H’re. Cùng với những màu sắc thổ cấm độc đáo, những giai điệu dân gian cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào H’re. Vào các dịp lễ tết, người dân H’re không thể thiếu những ché rượu cần, tiếng chiêng cùng những làn điệu dân ca. Đối với các làn điệu Ta lêu, Ca choi của người Hrê không thể thiếu những tiếng chiêng ba (bộ 3 chiêng). Với người H’re, chiêng (là chinh) đã ăn sâu vào máu thịt của người Hrê kể từ lúc mới lọt lòng cho tới khi trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả khi qua đời.

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người H’re, huyện Ba Tơ đã tiếp tục vận động, tuyên truyền để khuyến khích con em dân tộc học nghề dệt, mặc các trang phục truyền thống để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cùng với đó, huyện tổ chức ghi chép và lưu trữ các tư liệu về nghề dệt để làm cơ sở cho các lớp dạy nghề sau này. Những hội thi thợ dệt giỏi không chỉ là sân chơi bổ ích cho các thợ dệt trong và ngoài huyện mà còn là nơi để giới thiệu sản phẩm dệt làng Teng đến với du khách.

Du khách đến tham quan và mua sản phẩm tại làng Teng.
Du khách đến tham quan và mua sản phẩm tại làng Teng.

Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ cũng đã thành lập một số đội chiêng phục vụ người dân trong các dịp lễ, tết và tham gia biểu diễn ở các hội thi trên địa bàn tỉnh. Lớp học các điệu hát dân gian truyền thống Ka Lêu, Ka Choi tại nhà văn hóa làng Teng cũng nhận được sự tham gia của 54 người dân tộc đồng bào H’re. Chị Đinh Thị Bé, xã Ba Vinh cho biết, bản thân sẽ phải cố gắng để học thuộc hết tất cả những bài hát mà thầy đã truyền dạy.

Sự kết hợp có hiệu quả giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS kết hợp với du lịch đã tạo cơ hội cho người dân H’re có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước tạo nên mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Đồng thời nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024, nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn 2021–2025.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).