Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Phú Thọ chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Minh Thu - 15:35, 07/12/2024

Triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, trong 3 năm (2022, 2023, 2024), tỉnh Phú Thọ đã giải ngân 23.268 triệu đồng. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 20.015 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 3.253 triệu đồng.

Múa Chuông của dân tộc Dao xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn (Ảnh minh họa).
Múa Chuông của dân tộc Dao xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn. (Ảnh minh họa)

Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá thể thao và trang thiết bị vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện Tân Sơn, Thanh Thuỷ; xây dựng điểm du lịch tại các xã Minh Hoà, Mỹ Lung huyện Yên Lập, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn; tu bổ Di tích Quốc Gia Đình Thạch Khoán huyện Thanh Sơn. Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư; Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống tiêu biểu các DTTS; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, chạm ống của của đồng bào Mường xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (Ảnh minh họa).
Nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, chạm ống của đồng bào Mường xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện hiệu quả Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân đồng bào DTTS. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng bào DTTS; tăng cường ứng dụng khoa học, thực hiện “số hóa dữ liệu”, công nghệ để kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh... Qua đó, góp phần phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của Nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng Chương trình, hướng tới phát triển du lịch bền vững.