Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chọn lối đi riêng để bảo tồn vốn cổ

Thảo Linh - 07:43, 05/09/2024

Dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, người đàn ông dân tộc Cơ Ho - Dagout Brice Liêm chọn cho mình một lối đi riêng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Ho được tái hiện một cách chân thực, sinh động, lôi cuốn người thưởng lãm trong căn nhà sàn truyền thống do Dagout Brice Liêm dày công tạo dựng.

Dagout Brice Liêm nỗ lực gìn giữ và phát huy văn hóa Cơ Ho
Dagout Brice Liêm nỗ lực gìn giữ và phát huy văn hóa Cơ Ho

Ngôi nhà sàn độc đáo dưới chân núi Lang Biang

Không hẹn trước, tôi ghé thăm ngôi nhà sàn của anh Dagout Brice Liêm ở Tổ dân phố Bon Đưng 2, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Vừa ngắm cây nêu cùng các nhạc cụ, dụng cụ truyền thống như chiêng, trống, đàn đá, t’rưng, tù và, gùi, thổ cẩm, ché... được trưng dụng trong ngôi nhà sàn, Dagout Brice Liêm vừa chia sẻ, nhiều điều thú vị về hành trình làm ngôi nhà sàn này. Anh bảo, anh sinh ra, lớn lên dưới chân núi Lang Biang huyền thoại là một điều rất hạnh phúc. Nhưng khi nhìn thấy văn hóa của người Cơ Ho bị mai một dần nên cảm thấy đau lòng.

“Sau bao năm ấp ủ cùng với sự đồng tình của gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè và ngành Văn hóa, mình mới làm được căn nhà sàn này, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho những người tâm huyết với văn hóa cội nguồn mà cha ông đã dày công vui đắp”, Dagout Brice Liêm tâm sự.

Ngôi nhà sàn của Dagout Brice Liêm được gắn với tên gọi “Hội quán Bàng Yô”, theo anh lý giải nghĩa là ông bà tổ tiên, hiểu rộng ra cũng là cội nguồn. Nơi đây cũng là không gian thích hợp để các nghệ nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Nhà sàn của Dagout Brice Liêm được phỏng theo nhà truyền thống của người Cơ Ho. Các vật liệu làm nên căn nhà này chủ yếu là tre, nứa, gỗ, mây, lá cây. Trong quá trình xây dựng, Dagout Brice Liêm cũng gặp không ít khó khăn từ kinh phí, vật liệu, cũng như kỹ thuật cất dựng ngôi nhà này sao cho phù hợp với không gian sống của người Cơ Ho trước đây.

Sau hơn một năm nỗ lực của bản thân, gia đình và các cộng sự, ngôi nhà dài 17m, rộng 10m của Dagout Brice Liêm cũng hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngôi nhà có 2 tầng đặc trưng nhà truyền thống của người Cơ Ho. Tầng trên được trưng bày các nhạc cụ, dụng cụ và vật dụng truyền thống của người Cơ Ho, cũng là không gian tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi tiếp đón, phục vụ du khách mỗi khi ghé thăm. Tầng dưới là nhà bếp, hệ thống vệ sinh. Xung quanh nhà được bài trí các tiểu cảnh như các khóm hoa lá, con suối nhỏ… càng tôn vinh ngôi nhà sàn, đưa con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Dagout Brice Liêm bên ngôi nhà sàn của anh
Dagout Brice Liêm bên ngôi nhà sàn của anh

Khi được hỏi “Vì sao anh lại dựng ngôi nhà sàn tốn kém vậy?”, Dagout Brice Liêm chậm rãi trải lòng: “Mình cũng được học qua sách vở, được đi đây đi đó nhiều và cũng ít nhiều hiểu về văn hóa của dân tộc mình. Như anh thấy đấy, cả một vùng rộng lớn người Cơ Ho sinh sống dưới chân núi Lang Biang chỉ toàn nhà xây, nhà biệt thự hiện đại mà ít có nhà truyền thống của dân tộc Cơ Ho, từ đó mình quyết tâm làm ngôi nhà này với mong muốn bảo tồn những giá trị truyền thống của người Cơ Ho và là nơi sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho các nghệ nhân, là điểm đến, nơi trải nghiệm của du khách khi tìm hiểu về văn hóa của người Cơ Ho dưới chân núi Lang Biang”.

(BÁO IN) Chọn lối đi riêng bảo tồn vốn cổ 2

Thành lập “Hội quán Bàng Yô”

Ngay từ nhỏ, Dagout Brice Liêm có năng khiếu ca hát, lớn lên anh tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng dưới chân núi Lang Biang. Khi được đào tạo bài bản về biên đạo múa, anh tham gia ca hát, biểu diễn chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia trong lĩnh vực du lịch và hiện nay hoạt động tự do, lúc nào Dagout Brice Liêm đau đáu với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Ngôi nhà sàn của Dagout Brice Liêm được gắn với tên gọi “Hội quán Bàng Yô”, theo anh lý giải nghĩa là ông bà tổ tiên, hiểu rộng ra cũng là cội nguồn. Nơi đây cũng là không gian thích hợp để các nghệ nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Dagout Brice Liêm chia sẻ: “Tôi thành lập Hội quán này nhằm chia sẻ với những người muốn tìm hiểu về văn hóa cội nguồn của người Cơ Ho. Nơi đây sẽ tập trung các nghệ nhân đang lưu giữ và có khả năng diễn tấu được những bài chiêng hay, chiêng cổ để mọi người cùng thưởng thức. Thậm chí có một ngày nào đó, trong không gian nhà sàn này, bên bếp lửa hồng, mọi người sẽ được nghe diễn xướng kể khan, hay những câu ca dao, tục ngữ dân gian, hoặc nghe những khúc hát ru mà bà từng dành cho cháu. Đồng thời cũng truyền dạy cho thế hệ trẻ sử dụng các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, chơi khèn bầu; đánh trống, đàn t’rưng, đàn đá… và trưng bày các sản phẩm như thổ cẩm, rượu cần, một số vật dụng trong sinh hoạt,… nhằm khơi gợi văn hóa cội nguồn, giúp mọi người, nhất là giới trẻ hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc Cơ Ho dưới chân núi Lang Biang”.

Các thành viện trong Hội quán Bàng Yô trong một lần đi biểu diễn ở Đà Lạt
Các thành viện trong Hội quán Bàng Yô trong một lần đi biểu diễn ở Đà Lạt

Để duy trì và phát huy “Hội quán Bàng Yô”, Dagout Brice Liêm thường xuyên tổ chức các hội diễn trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 thành viên của Hội quán. Ngoài mang những nét đẹp văn hóa của người Cơ Ho giới thiệu đến du khách gần xa, đồng thời giúp các nghệ nhân, giới trẻ trong Hội quán có điều kiện giao lưu, học hỏi, nhằm nâng cao kiến thức, cũng như ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cha ông mình truyền lại cho thế hệ mai sau.