Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phủ màu xanh lên những mảnh đất cằn

Mỹ Dung - Vũ Công - 09:57, 03/06/2022

Trong mấy năm trở lại đây, những mảnh đất khô cằn của xóm Lũng Hoài (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), đã được thay thế bởi màu xanh của những bãi ngô, bãi gừng, bãi bí đỏ của đồng bào Mông nơi đây. Đồng bào phấn khởi nhắc mãi tới ông Sùng Văn Chầu, người đã biến hàng nghìn m2 đất nơi rẻo cao khô cằn thành đất sản xuất.

Đường vào xóm Lũng Hoài dốc quanh co, gập ghềnh (Ảnh minh họa)
Đường vào xóm Lũng Hoài

Sau hành trình khá gian nan bằng xe máy, vượt qua những quãng đường dốc dài quanh co và gập ghềnh, chúng tôi đi đến xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung. Không mất quá nhiều thời gian để tìm được nhà ông Chầu! “Thì cái nhà to nhất, mái ngói đỏ đó. À thôi, tao chỉ cho!”, một người trạc tuổi tứ tuần hào hứng miệng cười nói, tay chỉ, chân rảo bước dẫn chúng tôi tới nhà ông Chầu.

Hồ hởi rót ấm chè xanh đặc quánh mời khách, ông Chầu mở lòng mình: Năm 1998, gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng chuyển về sinh sống tại Lũng Hoài. Khi mới lập nghiệp trên đất này, ông chỉ mua được một ít đất để dựng nhà và sản xuất. Để trang trải cuộc sống gia đình, hàng ngày ông đi phát cỏ thuê, vào rừng hái măng, nấm… Dần dần, nhận thấy nhiều hộ dân ở xóm khác có đất ở Lũng Hoài muốn bán, ông vay mượn tiền để mua.

“Năng nhặt chặt bị”, đến nay nhà ông Chầu đã có 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích gần 50.000m2. Khi số lượng đất mua được ngày một nhiều và rộng hơn, ông tìm cách làm ăn, sản xuất trên chính những mảnh đất ấy.

Nhấp ngụm trà xanh, ông Chầu kể tiếp, xóm Lũng Hoài ở địa hình cao, lại chưa có hệ thống thủy lợi nên rất khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp. Do vậy, ông phải nghĩ rất lâu mới quyết định đầu tư dẫn nước từ các khe núi về để trồng ngô, cấy lúa. Còn đối với những diện tích không lấy được nước thì trồng gừng, bí đỏ, cỏ voi.

Hàng năm, ông Chầu đầu tư trồng trên dưới 20kg ngô giống, cấy 7 sào lúa và trồng các loại cây khác như bí đỏ, gừng. Ngoài ra, ông còn trồng cỏ voi để chăn nuôi bò vỗ béo, năm ít thì 2-3 con, còn năm nào nhiều lên đến 5-6 con.

Với mô hình kinh tế tổng hợp, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Và ngôi nhà này là kết quả công sức bao năm lao động, dành dụm của gia đình ông.

Ngôi nhà mới của gia đình ông Chầu
Ông Sùng Văn Chầu đón khách trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Chầu phấn khởi: “Sau bao năm tích góp, đến cuối năm 2021, tôi cũng đủ tiền để làm nhà mới. Ngôi nhà xây xong khoảng 850 triệu, ước mơ lớn của gia đình đã thỏa nguyện, yên tâm làm ăn.”

Chia sẻ với chúng tôi về ông Chầu,Trưởng xóm Lũng Hoài Hoàng Văn Phòng, chỉ tay nào những bãi ngô, bãi gừng xanh mướt của đồng bào trong xóm, hào hứng khi kể:  “Đất trống, đồi núi trọc giờ thế này đó. Ông Chầu là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế nơi đây. Nhiều bà con xung quanh vùng cũng đã học hỏi, làm theo mô hình của ông”.

Được biết, xóm Lũng Hoài hiện có 43 hộ dân và đều là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm nay, bà con trong xóm luôn đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.