Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc: Từ chủ trương của Đảng đến thực tiễn cuộc sống (Bài 1)

Thuý Hồng - 07:54, 21/12/2022

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” giờ đây không chỉ là phương châm, mục tiêu của Đảng, mà còn là động lực để phát huy nguồn lực từ Nhân dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vì dân.

Đồng bào DTTS phát huy quyền làm chủ trong kỳ bầu cử cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026
Đồng bào DTTS phát huy quyền làm chủ trong kỳ bầu cử cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026

“Dân giám sát, dân thụ hưởng”

Sau hơn 35 năm đổi mới, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân hơn nữa, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.

Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến cuộc sống Nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc đều được phổ biến đến quần chúng Nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhất là tuyên truyền để dân hiểu, nắm rõ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản luật; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án, công trình đầu tư trên từng địa bàn và tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo...

Trong những năm qua, thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện gián tiếp, vai trò “kiểm tra, giám sát” của Nhân dân đã thật sự phát huy hiệu quả cao trong công tác phát hiện, xử lý các vi phạm của cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Dưới sự giám sát của Nhân dân, chất lượng các công trình được nâng cao, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hiệu quả càng thấy rõ khi sự giám sát được thực hiện qua nhiều hình thức, tổ chức khác nhau; từ khâu bắt đầu đến quá trình thi công rồi bàn giao đưa vào sử dụng các công trình dân sinh như đường giao thông, chợ, nhà văn hóa...

Người có uy tín trong đồng bào các DTTS kiến nghị các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS với lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc
Người có uy tín trong đồng bào các DTTS kiến nghị các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS với lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc

Vận dụng vào công tác dân tộc

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay, được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, với nội dung cơ bản thống nhất, đó là: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc đã mang tính toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi và luôn được sửa đổi, bổ sung theo từng giai đoạn nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng với sự phát triển chung của đất nước.

Điển hình như Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”. Gần đây là Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Hiện nay, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, của địa phương. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.

Trong Dự án 10, dành hẳn 1 Tiểu dự án kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình (Tiểu dự án 3). Theo đó, Dự án sẽ tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng, tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Chương trình. Mục tiêu nhằm thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình đạt hiệu quả. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS.

Có thể thấy, xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt nhấn mạnh, phát huy vai trò của Nhân dân là một nội dung trong quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước và phương hướng xây dựng Đảng. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Theo đó, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở vùng DTTS đang ngày càng chuyển biến, phát huy được ý thức, trách nhiệm, vai trò chủ thể của Nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước.