Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy dân chủ, tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận vì lợi ích của đất nước, dân tộc

PV - 15:53, 17/04/2021

Hội đồng Lý luận Trung ương phải mở rộng các hình thức thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị; thật sự trân trọng những ý tưởng, những đề xuất lý luận có giá trị, hữu ích cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và cho quốc kế dân sinh; tránh tư tưởng bảo thủ, cục bộ, võ đoán, quy chụp và cách làm khép kín.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh TTXVN

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Những kết quả nổi bật

Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, Hội đồng Lý luận Trung ương đã luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, phát huy các mặt thuận lợi, kinh nghiệm hoạt động, khắc phục các khó khăn, thách thức, triển khai một khối lượng công việc lớn, có bước tiến mới, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hội đồng Lý luận Trung ương đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn; xây dựng một số báo cáo tư vấn có chất lượng, góp phần giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết, kết luận quan trọng về các vấn đề như: xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; định hướng phát triển kinh tế tư nhân, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển...

Hội đồng đã tổ chức triển khai, quản lý một cách chặt chẽ, bài bản, có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 (KX.04/16-20). Các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình có giá trị lý luận và thực tiễn, được chắt lọc kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần thiết thực vào quá trình xây dựng dự thảo một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011. Qua tổng kết đã làm rõ thêm quá trình phát triển nhận thức lý luận của Đảng, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; những hạn chế, những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần giải quyết và bước đầu đề xuất, kiến nghị một số quan điểm, định hướng nhằm từng bước hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về phát triển đất nước nhanh và bền vững, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam giai đoạn mới.

Các thành viên Hội đồng nhất trí cho rằng, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng cần bám sát Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII để chủ động tham mưu về lý luận chính trị giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận cụ thể hóa văn kiện Đại hội XIII và chuẩn bị dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Hội đồng tổ chức thực hiện tốt Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025; tổng kết 40 năm đổi mới, góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn qua 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chuẩn bị cho tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch. Hội đồng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lý luận và hợp tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với một số ban, ngành, địa phương; tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao...

Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026.

Nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà Hội đồng Lý luận Trung ương đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng Lý luận Trung ương đã không ngừng đổi mới mô hình và phương thức hoạt động, tăng cường tập hợp đông đảo các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học; kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Đảng ta, đất nước ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, Hội đồng cần nhận thức sâu sắc và nỗ lực hơn nữa, khắc phục bằng được những hạn chế, thiếu sót, nhất là hạn chế về chất lượng, hiệu quả tư vấn ở tầm quan điểm, chiến lược, đường lối về lý luận chính trị.

Đất nước ta đã qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, song hiện vẫn còn không ít vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được luận giải thấu đáo và làm sáng tỏ. Vẫn còn những vấn đề mới mà thực tiễn phát triển của thế giới, nhất là của Việt Nam đặt ra chưa được nghiên cứu, tổng kết để góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, làm cơ sở tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Tổng Bí thư gợi mở thêm một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, trước hết cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu công tác lý luận chính trị trong thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn chiến lược và lộ trình, bước đi rất cụ thể để phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm, 25 năm tới.

Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại.

Hội đồng chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới, các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; các cuộc cách mạng khoa học công nghệ...

Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra, Tổng Bí thư yêu cầu, Hội đồng phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận, trên cơ sở nắm vững và và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, Hội đồng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tham vấn về lý luận chính trị, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Căn cứ vào Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Hội đồng phải xây dựng, triển khai kế hoạch tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để kịp thời xây dựng các báo cáo tư vấn; tổng kết, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm kết luận những vấn đề thực tiễn đã chín, đã rõ; xây dựng các chuyên đề lý luận có chất lượng để phục vụ chương trình nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025; phục vụ Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận; góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, với trách nhiệm được giao, Hội đồng cần chủ động, thể hiện tốt vai trò là đầu mối phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương, các cấp ủy địa phương, các cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị cả nước trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

Hội đồng Lý luận Trung ương phải xây dựng được cơ chế và tạo môi trường thuận lợi để thu hút, tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, có tâm, có tầm trên tất cả các lĩnh vực của đất nước; mở rộng các hình thức thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị; thật sự trân trọng những ý tưởng, những đề xuất lý luận có giá trị, hữu ích cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và cho quốc kế dân sinh; tránh tư tưởng bảo thủ, cục bộ, võ đoán, quy chụp và cách làm khép kín. Phát huy dân chủ, tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận vì lợi ích của đất nước, dân tộc; đồng thời chủ động, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm phản động, thù địch, xuyên tạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổng Bí thư chỉ rõ, Hội đồng Lý luận Trung ương cần được tiếp tục kiện toàn, đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Thực tiễn 25 năm với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong hệ thống các cơ quan ở Trung ương, là cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là cơ quan tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận của Đảng, tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phục vụ việc hoạch định, phát triển và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Hội đồng Lý luận Trung ương đã có nhiều thành tích trong công tác xây dựng và hoàn thiện các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.