Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nobel 2022: Các ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh

PV - 12:15, 03/10/2022

Như thường lệ, giải thưởng Y Sinh sẽ khai màn tuần lễ Nobel 2022 - sự kiện được thế giới đón đợi hằng năm.


Nhà di truyền học Mary-Claire King (Mỹ) - một trong những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh. Ảnh: airsfoundation
Nhà di truyền học Mary-Claire King (Mỹ) - một trong những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh. Ảnh: airsfoundation

Giới chuyên gia dự đoán những nghiên cứu liên quan căn bệnh ung thư vú và các loại vaccine bào chế theo công nghệ mRNA có nhiều khả năng sẽ chiến thắng giải thưởng này năm nay.

Giải Nobel Y Sinh sẽ được công bố vào khoảng 11h30 sáng 3/10 tại Stockholm (Thụy Điển) - tức 16h30 cùng ngày, giờ Việt Nam. Tiếp theo đó sẽ là các giải thưởng Nobel Vật lý vào ngày 4/10, Hóa học ngày 5/10 và Văn học ngày 6/10. Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 7/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel vào ngày 10/10.

Trong lĩnh vực Y học, tên của một nhà khoa học nữ liên tục được các chuyên gia về Nobel nhắc tới thời gian gần đây, đó là nhà di truyền học Mary-Claire King (Mỹ). Vào năm 1990, bà Mary-Claire King đã phát hiện gene BRCA1 - loại gene đột biến gây ra một dạng di truyền của bệnh ung thư vú, qua đó tạo nên cuộc cách mạng trong tầm soát ung thư. Theo giới quan sát, bà có thể sẽ được vinh danh cùng các bác sĩ Dennis Slamon (Mỹ) và Axel Ullrich (Đức) về những nghiên cứu đã góp phần dẫn đến sự phát triển của thuốc điều trị ung thư vú Herceptin.

Tuy nhiên, nếu Ban giám khảo Nobel 2022 phá vỡ truyền thống - thường tôn vinh các nghiên cứu đã tồn tại hàng thập kỷ - của mình, một nhà khoa học nữ khác có thể được xướng tên tại lễ công bố giải thưởng Y Sinh năm nay với công trình nghiên cứu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Bà Katalin Kariko (sinh ra ở Hungary) có thể giành chiến thắng nhờ nghiên cứu tiên phong trực tiếp dẫn đến sự phát triển của vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên chống lại COVID-19, đã được hai hãng dược phẩm Mỹ là Pfizer và Moderna ứng dụng sản xuất. Công trình khoa học này cũng đã từng mang về cho bà Karilo nhiều giải thưởng y học lớn.

Chuyên gia Ulrika Bjorksten - người phụ trách lĩnh vực thông tin khoa học của Đài phát thanh công cộng Thụy Điển - nhấn mạnh rằng: "Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho chúng ta trong cuộc chiến chống đại dịch, đây còn là nghiên cứu đầu tiên, mở đường cho một loạt triển vọng ứng dụng công nghệ này trong tương lai". Bà Kariko có thể được vinh danh cùng với 2 cộng sự là Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) trong dự án này.

Trong khi đó, chuyên gia David Pendlebury - thuộc công ty phân tích Clarivate Analytics, chuyên dõi theo các ứng cử viên Nobel trong lĩnh vực khoa học - đánh giá cao nhà sinh học phân tử Yuk Ming Dennis Lo ( Hong Kong - Trung Quốc), người tiên phong trong việc phát triển phương pháp xét nghiệm không xâm lấn sàng lọc trước sinh.

Nhà khoa học Yuk Ming Dennis Lo cũng nổi tiếng với phương pháp phát hiện sớm bệnh ung thư chỉ thông qua xét nghiệm một vài giọt máu, được gọi là sinh thiết chất lỏng. Ông Pendlebury đánh giá rằng chỉ với một lần lấy máu đơn giản, "bạn có thể xác định tất cả các loại vấn đề và bệnh tật có thể xảy ra".

Giải Nobel Y Sinh 2021 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian, với những khám phá về các thụ thể của con người đối với nhiệt độ và xúc giác. Xét về tổng thể, trong số 13 chủ nhân của Nobel 2021, chỉ có 1 người là nữ giới; toàn bộ các giải thưởng trong lĩnh vực khoa học đều trao cho nam giới.

Giải thích về điều này, các ủy ban giải thưởng Nobel khẳng định họ luôn nỗ lực ghi nhận những thành tựu của nữ giới, song các nghiên cứu được xem xét trao giải đều đã được tiến hành từ cách đây nhiều thập kỷ, khi mà nữ giới ít tham gia các dự án ở cấp độ cao.