Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những người "giữ lửa" buôn làng Tây nguyên

Lê Hường - 9 giờ trước

Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, Người có uy tín bền bỉ tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, từng bước từ bỏ tập tục lạc hậu, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Họ chính là những người “giữ lửa” để buôn làng bình yên và phát triển.

Vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk ngày càng khang trang
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk ngày càng khang trang

Bảo vệ rừng để giữ bình yên

Hơn 30 năm làm cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn, ông Y Mosk Hra, sinh năm 1958, già làng, Người có uy tín buôn Drang Phốk, xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nắm rõ từng ngóc ngách của cánh rừng khộp rộng lớn. “Rừng là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Bao đời nay, rừng đã bao bọc đồng bào các dân tộc buôn Drang Phốk. Rừng gắn bó với bà con như một thành viên trong cộng đồng. Vì vậy, việc giữ rừng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng”, ông Y Mosk Hra bảo.

Buôn Drang Phốk nằm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Toàn buôn có gần 150 hộ, hơn 500 khẩu, với 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Ê Đê, Mnông, Gia Rai, Lào… đã sinh sống ổn định ở vùng đất này qua nhiều thế hệ. Nhiều năm trước, theo phong tục, tập quán người dân nơi đây khai thác các sản vật từ rừng, một số người dân nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu lén lút vào rừng khai thác lâm sản.

Bằng uy tín của bản thân, ông Y Mosk động viên con cháu, người dân trong buôn bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền pháp luật, ý nghĩa để người dân nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuyệt đối không vi phạm các quy định của pháp luật, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tác động đến hệ sinh thái rừng. Giữ gìn hệ sinh thái rừng cũng chính là bảo vệ sự bình yên của buôn làng.

Ông Y Mosk Hra bảo: “Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn đồng hành cùng chính quyền, lực lượng kiểm lâm trực tiếp tuần tra, bảo vệ rừng và vận động người dân cùng tham gia. Mỗi chuyến đi, tôi kể những câu chuyện để bà con thấy được giá trị của việc giữ rừng. Giữ rừng là giữ mạch nước cho buôn làng, cây thuốc chữa bệnh, môi trường trong lành… Bây giờ, bà con buôn Drang Phốk đã nhận thức được tầm quan trọng và sẵn sàng cùng chính quyền, kiểm lâm tham gia tuần tra, bảo vệ rừng”.

Không chỉ tham gia, tuyên truyền bảo vệ rừng, ông Y Mosk Hra còn tích cực tham gia bảo vệ biên giới. Cùng bộ đội, chính quyền vận động người dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. “Khi đôi chân còn đi được thì tôi vẫn cùng bộ đội, kiểm lâm, người dân vào rừng bảo vệ biên cương, cột mốc, giữ cây gỗ quý, từng con thú hoang trong rừng”, ông Y Mosk Hra bày tỏ.

Ông A Tơi tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới
Ông A Tơi tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới

Đẩy lùi bóng tối hủ tục

Thôn 11, xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi có 192 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, 100% là dân tộc Ba Na. Nơi đây từng tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, cản trở sự phát triển cộng đồng như: Tục ốm đau dài ngày không khỏi nhờ đến thầy cúng, thầy mo; tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng và Người có uy tín của thôn, ông A Tơi luôn là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong thôn xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Ông A Tơi cho biết: Cũng như các thôn, làng khác trong xã, nhiều năm trước, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá nhiều ở thôn 11 này. Tuy nhiên, muốn người dân thay đổi nhận thức, từ bỏ những tập tục lâu đời này, cần có thời gian, kiên trì tuyên truyền, vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Tôi cùng với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đưa vào hương ước, quy ước của thôn.

Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, trong thôn không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nữa. Người dân đã nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để giáo dục con em mình. “Để bà con hiểu tôi phân tích rõ tác hại của từng tập tục lạc hậu, chỉ cho họ thấy những tập tục ấy không còn phù hợp với đời sống hiện tại, gây lãng phí. Song song với đó, tôi thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần”.

Bà Y Lơ ở thôn 11, xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Trước đây, con gái của tôi yêu sớm, cũng muốn lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Khi biết chuyện, gia đình tôi lo lắng chưa biết khuyên bảo con thế nào nên gặp ông A Tơi để chia sẻ. Ông A Tơi cùng các đoàn thể thôn đến nhà gặp cháu tuyên truyền, phân tích rõ những hậu quả của tảo hôn thì cháu cũng hiểu và đồng ý chờ đến khi đủ tuổi mới lập gia đình. Ngày đó, nếu không có ông A Tơi đến tận tình vận động, khuyên nhủ, chắc con gái cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi.

Cũng như ông Y Mosk Hra, ông A Tơi, đội ngũ Người có uy tín trên khắp các bản, buôn, làng, phum, sóc của đại ngàn vẫn ngày đêm cống hiến vì sự phát triển vùng đồng bào DTTS. Theo số liệu từ Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), bộ phận làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2024 đơn vị phụ trách địa bàn 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; toàn khu vực có hơn 4.200 Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo chia sẻ: Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn đã tích cực phát huy vai trò “cầu nối” giữa chính quyền cấp cơ sở với người dân, tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ biên cương, hòa giải ở cơ sở, giữ rừng để bảo vệ bình yên buôn làng; quan tâm phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đẩy lùi hủ tục…

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những ngôi nhà mới khang trang đang dần hình thành tại các điểm dân cư được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mơ ước có căn nhà ở ổn định của các hộ đồng bào DTTS nghèo tại tỉnh Kon Tum đã trở thành hiện thực. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum trong việc triển khai thực hiện Dự án 1 và Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).