Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những đội cồng chiêng “nhí” ở thành phố Kon Tum

PV - 10:49, 20/08/2020

Những năm gần đây, thành phố Kon Tum là địa phương có nhiều đội cồng chiêng “nhí” hoạt động hiệu quả ở trường học, trong sinh hoạt văn hóa âm nhạc ở các thôn làng. Chính những nghệ nhân “nhí” của các đội cồng chiêng này đã và đang tiếp nối giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ở cộng đồng.

Đội cồng chiêng, xoang của các trường biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng dành cho bậc Tiểu học và THCS. Ảnh: Hoài Tiến
Đội cồng chiêng, xoang của các trường biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng dành cho bậc Tiểu học và THCS. Ảnh: Hoài Tiến

Nghe các nghệ nhân nhí kể chuyện học đánh chiêng

Còn nhớ năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức thành công “Liên hoan cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục DTTS lần thứ IV”. Tất cả các trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn 20/21 xã phường đều có đội cồng chiêng tham dự. Lúc ấy, phóng viên gặp gỡ không ít “nghệ nhân nhí” mới đang học lớp 1, 2 ở các trường tiểu học. Qua sự tranh tài giữa các đội, chúng tôi thấy các em khá tự tin khi biểu diễn đánh cồng, đánh chiêng.

Nay gặp lại A Khang - một trong những “nghệ nhân nhí” lúc đó, hiện đang học lớp 5 ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, em chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, em và đội cồng chiêng của trường tham gia 2 liên hoan cồng chiêng cấp thành phố, đem về cho trường 1 giải Nhất, 1 giải Ba.

A Khang tâm sự, con đường đến với niềm đam mê cồng chiêng bắt đầu ở những lễ hội, ngày tạ ơn thần linh ở làng, em được cha mẹ dẫn đi xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại nhà rông. Sau đó, về đến nhà, em cố gắng nhớ lại các nhịp trống, nhịp chiêng để tự mình gõ lại theo cảm nhận của mình. Khán giả đầu tiên xem Khang đánh nhịp chiêng bằng tay là ông ngoại.

Khang kể: “Năm em học lớp 1, ông ngoại em (là già làng A Gai) thấy em ham thích cồng chiêng, nên đã nhờ các nghệ nhân chỉ dạy. Tuy nhiên, em còn quá nhỏ không khiêng được cái chiêng lớn, nên người lớn cho em mượn chiêng nhỏ nhất (có đường kính khoảng 20 cm) để tựa vào vách nhà sàn giữ nhịp gõ đầu tiên. Vài hôm đầu, cây chui gõ chiêng khá lớn, bàn tay nhỏ của em không cầm trọn được thân chui, nên lúc gõ âm chiêng không tròn, không dứt khoát. Em rất buồn, đã khóc với ông. Biết được điều này, ông an ủi em, rồi ông đi tìm cây rừng về làm chiếc chui cho riêng em. Những ngày sau này, em bắt đầu sử dụng được chiêng, yêu thích tiếng chiêng cũng nhờ có ông ở bên”.

Em A Li Huy học lớp 5A ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cùng lúc biết sử dụng thành thạo 2 nhạc cụ là chiêng tròn và chiêng dây. Em là “linh hồn” của 2 đội chiêng nhí ở trường. Huy cũng là người yêu nhạc cụ dân tộc, thích tìm hiểu về cách đánh cồng, đánh chiêng từ khi học mẫu giáo.

“Đi học về là em chạy sang nhà chú A Wưu (thôn trưởng Kon H’ra Chót, phường Thống Nhất) để xem người lớn tập đánh cồng chiêng và cả thổi sáo. Nhưng vang trong lòng, em vẫn thích nhất là điệu nhạc của tiếng cồng, tiếng chiêng có nhiều người luyện tập rộn rã, đông vui nhất. Nhiều hôm em cứ đứng ở góc nhà nhìn các bác, các chú luyện tập đến quên cả giờ đi học, bố mẹ phải đi tìm em để đưa về nhà…” - A Li Huy kể niềm say mê tiếng chiêng của mình.

Cũng như A Khang, sự yêu thích âm nhạc dân tộc của em được bố mẹ và ông bà ủng hộ, tạo điều kiện luyện tập cơ bản cồng chiêng cùng người lớn ở làng.

Tuy nhiên, theo Huy, mỗi bạn nhỏ như các em may mắn biết đánh cồng chiêng cơ bản rồi, phải có nơi tập luyện thường xuyên và phải có nhiều bạn nhỏ cùng niềm đam mê mới ráp thành đội để duy trì, phát huy, nâng cao kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng.

Truyền “lửa” đam mê cồng chiềng cho các em ở cộng đồng

Cô Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn vui vẻ cho biết, hàng tuần nhà trường đều tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, hay hoạt động ngoài trời cho học sinh có các chủ đề “Tiếng Việt cho của chúng ta”, “trải nghiệm văn hóa dân tộc”, “đan lát, làm rượu nghè”, giao lưu “Nét đẹp đội viên người dân tộc thiểu số”. Qua những sân chơi này, các bạn nhỏ có năng khiếu về âm nhạc, hội họạ, thể dục thể thao được các thầy cô giáo khuyến khích, tìm cơ hội cho các em phát huy. Đặc biệt, những bạn biết sử dụng cồng chiêng đã được các thầy cô giáo tập hợp lại để mời nghệ nhân ở làng về luyện tập, tạo thành đội cồng chiêng ở trường, giúp nhiều bạn nhỏ như A Khang, A Li Huy tiếp cận bài bản hơn và có cơ hội phát triển tài năng ngay từ những ngày cắp sách đến trường.

“Khi phát hiện các em có năng khiếu và yêu thích âm nhạc dân tộc, nhất là say mê với cồng chiêng, các thầy cô giáo rất vui và tìm mọi cách tổ chức cho các em thành đội để luyện tập, biểu diễn nhiều hơn. Tuy nhiên, nhà trường gặp khó khăn ban đầu là không có các bộ chiêng và mọi người đều không am hiểu về tiết tấu, phương thức biểu diễn cồng chiêng. Thế nhưng, bên cạnh thầy cô có ban đại diện phụ huynh đồng hành, chia sẻ tâm tư; bố mẹ các em nhiệt tình cùng cô giáo chủ nhiệm, thầy tổng phụ trách đội đến nhà các nghệ nhân ở làng xin cho học sinh được học đánh cồng, đánh chiêng và múa xoang” - Cô Lan kể lại chuyện những ngày thành lập đội chiêng nhí ở trường.   

Đội cồng chiêng của Trường TH Võ Thị Sáu đang biểu diễn hòa nhịp cùng đội múa xoang. Ảnh: Trần Hà
Đội cồng chiêng của Trường TH Võ Thị Sáu đang biểu diễn hòa nhịp cùng đội múa xoang. Ảnh: Trần Hà

Cũng theo cô Lan, đội cồng chiêng của trường Đặng Trần Côn luôn duy trì được số thành viên 15-20 em. Các em say sưa tập luyện vào cuối các buổi học, hoặc những ngày cuối tuần ở nhà nghệ nhân, có lúc ở sân trường. Ngoài việc tham gia biểu diễn ở trường, đội cồng chiêng của học sinh còn được các cấp chính quyền và các đoàn thể địa phương quan tâm, tổ chức giao lưu, các cuộc thi biểu diễn với các đội chiêng của người lớn, thanh niên ở các làng trong xã Ngọc Bay.

Còn cô Trần Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất) giãi bày: Mỗi lần tập luyện cồng chiêng, học sinh rất hào hứng. Có thể những ngày đầu tham gia học đánh cồng chiêng, các em còn nhiều lúng túng; cầm chiêng, đeo chiêng trên vai chưa đúng tư thế. Đôi lúc, có bạn thiếu tự tin đứng trước đám đông, nên mất bình tĩnh không đánh đúng vị trí tâm chiêng, chân đi lệch giai điệu chiêng...

Vậy nhưng, có sự chỉ dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân (đa phần người thân quen ở làng), cộng với sự cổ vũ của các thầy cô giáo ở trường và niềm đam mê, năng khiếu sẵn có với âm nhạc truyền thống của học sinh, thì khoảng vài ngày sau, các bạn đều nhận biết được tiết tấu, nhịp điệu của những bài cồng chiêng truyền thống. Đến hôm nay, đội cồng chiêng học sinh của trường có đến 20 bạn biết biểu diễn các bài chiêng truyền thống như “mừng lúa mới”, “mừng mở cửa mả”, “mừng chiến thắng”, “đâm trâu”… đến các bài chiêng hiện đại như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Đảng đã cho ta mùa Xuân”, “Ơn Đảng, Bác Hồ”…

Ở nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa văn nghệ ở trường, địa phương hay của thành phố, tỉnh, đội cồng chiêng của học sinh đều được tham gia biểu diễn, giới thiệu truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi lúc được đi như thế, các em thêm niềm vui, sự tự hào được trình diễn, đưa văn hóa mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên đến với bạn bè, khách quí và để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem.

Điều đặc biệt, gần 10 năm nay, ngành GD&ĐT thành phố Kon Tum duy trì định kỳ 2 năm/1 lần tổ chức “Liên hoan cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục dân tộc thiểu số”, góp phần tạo cơ hội, điều kiện để thế hệ trẻ tiếp cận, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.