Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những bài ca sống mãi cùng tháng 4 lịch sử

PV - 08:55, 29/04/2022

47 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về những ngày tháng 4 lịch sử vẫn còn ghi dấu với bất kỳ ai đã từng trải qua năm tháng ấy. Đặc biệt, âm hưởng của mùa Xuân đại thắng năm 1975 được khắc họa rõ nét qua những bài ca đi cùng năm tháng để những thế hệ mai sau có thể cảm thụ và luôn tự hào về chiến thắng lừng lẫy của cha ông.

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng Thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975) - Ảnh tư liệu của TTXVN
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng Thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975) - Ảnh tư liệu của TTXVN

Chia sẻ cảm xúc bồi hồi khi nghe lại những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác vào đúng giai đoạn đó như "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên); "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" (nhạc sĩ Xuân Hồng); "Đất nước trọn niềm vui" (nhạc sĩ Hoàng Hà) hay "Tiếng hát Thành phố mang tên Người" (lời Đăng Trung, nhạc Cao Việt Bách)… Nhà phê bình âm nhạc-PGS.TS Cù Lệ Duyên vẫn trào dâng niềm xúc động bởi ca từ, giai điệu đầy ấn tượng của những bài hát sống mãi trong hàng triệu trái tim của người dân Việt Nam.

PGS.TS Cù Lệ Duyên vẫn còn nhớ không khí tràn ngập niềm vui, rộn ràng khắp phố phường Thủ đô Hà Nội khi hay tin giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Vào thời điểm ngày 30/4/1975, ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, có rất nhiều tác giả với cảm xúc mãnh liệt, dâng trào đã sáng tác các ca khúc để ghi dấu về sự kiện lịch sử này - một mốc son chói lọi của dân tộc. Các tác phẩm âm nhạc ra đời mừng non sông thống nhất đã tô đậm thêm chiến thắng lịch sử, gợi nhớ về những thời khắc không thể nào quên của dân tộc.

PGS.TS Cù Lệ Duyên cho biết, trước thời điểm 30/4/1975, đã có một số nhạc sĩ sáng tác các ca khúc khắc họa từng chiến dịch, từng trận thắng, theo từng bước chân của đoàn quân giải phóng ở mỗi địa phương.

Chúng ta vẫn còn nhớ, chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4/3 đến 3/4/1975, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đợt tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ở thời điểm này, nhiều bài hát với âm thanh hùng tráng, mang đậm âm hưởng của đồng bào Tây Nguyên đã ra đời, như: "Những tiếng ca vang trên đất này" (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), "Hát mừng Tây Nguyên giải phóng" (nhạc sĩ Cầm Phong), "Sông Đăk Rông mùa xuân về" (nhạc sĩ Tố Hải)…

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29/3/1975) là một trong ba chiến dịch lớn của quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của chiến dịch Huế-Đà Nẵng đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản để giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng.

Thời điểm này các nhạc sĩ lại kịp thời sáng tác những những bài hát như: "Gửi Huế giải phóng" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương), "Huế của ta ơi" (nhạc sĩ Thanh Phúc),… hay "Chào Đà Nẵng giải phóng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên), "Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về" (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), "Hát về Đà Nẵng kiên cường" (nhạc sĩ Cao Việt Bách), "Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi" (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn)…

Những bài hát hừng hực khí thế được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, truyền ra chiến trường đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân giải phóng tiến về miền Nam tiếp tục giành thắng lợi ở những trận đánh quyết định.

PGS.TS Cù Lệ Duyên chia sẻ, một số nhạc sĩ, ca sĩ của Đài tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ còn chưa kịp thuộc hết lời bài hát, giai điệu mà phải cầm bản nhạc để thu thanh hoặc cầm bản nhạc để hát trên truyền hình bởi các bài hát được sáng tác dồn dập hòa cùng với những tin thắng trận liên tiếp của quân và dân ta.

Và thời khắc lịch sử của dân tộc không thể nào quên khi 10h45' ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của chính quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11h30' cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Niềm vui của toàn dân tộc đã được khắc họa trong nhiều khúc nhạc lời ca, vang lên khắp mọi miền Tổ quốc, tiêu biểu như: "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" (nhạc sĩ Xuân Hồng); "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên); "Đất nước trọn niềm vui" (nhạc sĩ Hoàng Hà) hay "Tiếng hát Thành phố mang tên Người" (lời Đăng Trung, nhạc Cao Việt Bách)…

Với bài hát "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, bài hát có màu sắc tươi sáng, là một bài hát cách mạng nhưng hoàn toàn không cứng nhắc mà tình cảm, trữ tình; dự báo một cuộc sống mới, tương lai tốt đẹp của dân tộc đang chào đón.

Hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh rợp bóng cờ bay trong mùa xuân đại thắng được khắc họa trong bài hát như giúp chúng ta liên tưởng đến hình ảnh niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt của hàng nghìn người dân Sài Gòn đổ xuống đường chào mừng đoàn quân giải phóng, thống nhất đất nước.

Bài hát "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" có âm điệu và ca từ trong sáng, lối viết nhạc dàn trải dịu êm rất dễ đi vào lòng người. Đây là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Xuân Hồng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Còn bài hát "Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Với cảm xúc dâng trào khi nghe tin chiến thắng dồn dập của các cánh quân giải phóng đang tiến thẳng vào Sài Gòn, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần.

Theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, bài hát "Đất nước trọn niềm vui" có giai điệu rộn ràng, tưng bừng; tốc độ và tiết tấu nhanh, dồn dập, tạo cảm giác hứng khởi diễn tà đúng niềm vui chiến thắng của dân tộc.

Với bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, thời điểm đó cả nước tưng bừng hân hoan với niềm vui chiến thắng. PGS.TS Cù Lệ Duyên cho rằng đây là bài hát không phức tạp về ca từ và giai điệu. Bài hát vô cùng giản dị, âm điệu dễ hát, dễ thuộc, ai cũng có thể hát được từ cụ già đến thiếu nhi, thực sự là bài hát dành cho quần chúng nhân dân.

Như nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng chia sẻ trên phương tiện truyền thông: "Ca khúc này được tôi viết vào đúng ngày 30/4/1975, ngày giải phóng đất nước, nhân dân cả nước vỡ oà trong hạnh phúc sau bao nhiêu hy sinh, mất mát, đấu tranh kiên cường trong suốt 30 năm để thắng lợi. Có lẽ, ca khúc này có sức sống lâu bền trong tâm hồn người Việt vì nó thể hiện được niềm vui sướng, hân hoan vỡ oà của nhân dân trước những chiến thắng mà phải rất khó khăn, gian khổ, kiên cường mới thực hiện được".

Những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác trong thời khắc lịch sử tháng 4/1975 mừng non sông thống nhất sẽ sống mãi cùng thời gian, để nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc không thể nào quên./.

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.