Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Góp phần giữ vững biên cương (Bài 5)

Phạm Tiến - 17:46, 28/07/2022

Nhiều năm qua, đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên cả nước đã phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Từ phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá, an ninh trật tự đến bảo vệ đường biên, mốc giới đều có sự chung tay, góp sức quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín.

Lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam- Lào tổ chức tuần tra song phương
Lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam- Lào tổ chức tuần tra song phương

Vành đai “thép” từ lòng dân

Ngược đường 12 để lên xã vùng biên Kim Thủy (Lệ Thủy) đúng vào dịp bộ đội Biên phòng Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) diễn ra chương trình giao lưu hữu nghị Việt- Lào cấp bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ điểm tổ chức cửa khẩu Cha Lo, tinh thần đoàn kết và tình hữu nghị Việt - Lào như được lan tỏa toàn tuyến biên giới 2 nước “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Hành trình ngược dãy Trường Sơn, tôi mong mình được đến tận nơi hoặc chí ít cũng đến thật gần với đường biên, cột mốc chủ quyền 576. Liên hệ với Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình để được hỗ trợ tác nghiệp, Trung tá Lưu Trọng Đạt, Chính trị viên Đồn chia sẻ: “Đồng bào các dân tộc sống gần tuyến biên giới nơi Đồn phụ trách có tinh thần trách nhiệm cao đối với đường biên, cột mốc. Riêng 3 bản Trung Đoàn, Khe Mút và bản Hồ Rum, đồng bào Bru- Vân Kiều có tinh thần trách nhiệm rất cao. Già làng, trưởng bản, Người có uy tín là những hạt nhân trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Cùng với những chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của đồng bào DTTS, đường giao thông ở bản Trung Đoàn đã được bê tông hóa
Cùng với những chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của đồng bào DTTS, đường giao thông ở bản Trung Đoàn đã được bê tông hóa

Đi theo lộ trình đã được hướng dẫn, điểm đầu tiên tôi dừng chân là bản Trung Đoàn. Đây là 1 trong 3 bản nằm gần nhất với đường biên giới, cột mốc quốc gia 576 ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vừa vào đến đầu bản, những cái nhìn cảnh giác của đồng bào làm tôi khép nép.

Bản Trung Đoàn cách đường biên khoảng 15km đường chim bay. Toàn bản có 55 hộ gia đình, trong đó có 53 gia đình là người Bru - Vân Kiều, 2 gia đình người Kinh. Chiến tranh cũng như thời bình, người Bru- Vân Kiều vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Từ những chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn ở bản đã được bê tông hóa. Đời sống của bà con Bru-Vân Kiều đã có nhiều đổi thay tích cực.

Trưởng bản trẻ tuổi Hồ Đua trò chuyện cùng tác giả
Trưởng bản trẻ tuổi Hồ Đua trò chuyện cùng tác giả

Chia tay bản Trung Đoàn, tôi ngược đường lên với bản Hồ Rum, Trưởng bản trẻ tuổi Hồ Đua cho biết, bản Hồ Rum có 110 hộ dân, 100% là người Bru- Vân Kiều. Rồi như quả quyết anh nói: “Đường biên, cột mốc là một phần của lãnh thổ”. Nói rồi anh viện dẫn thêm như chứng minh: Đồng bào hiểu việc giám sát, bảo vệ đường biên cột mốc là trách nhiệm. Những đối tượng lạ vào khu vực biên giới có hành vi khả nghi, xuyên tạc làm xáo trộn an ninh biên giới bà con không nghe theo. Trái lại những thông tin đó được báo cho Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã để xử lý kịp thời.

Ngoài bản Trung Đoàn, bản Hồ Rum ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình còn có thêm bản Mít Cát giáp đường biên. Giữa thăm thẳm đại ngàn Trường Sơn, vời vợi một tuyến biên cương, những con người, những bản làng người Bru- Vân Kiều đã, đang trở thành lớp lớp vành đai “thép”, “cột mốc sống” để cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ một đường biên hữu nghị, đoàn kết đời đời bền vững giữa hai nước Việt Nam- Lào.

Nép mình bên Đông Trường Sơn, Bản Trung Đoàn đã và đang là lá chắn “thép” bảo vệ vùng đất phên dậu của Tổ quốc
Nép mình bên Đông Trường Sơn, Bản Trung Đoàn đã và đang là lá chắn “thép” bảo vệ vùng đất phên dậu của Tổ quốc

“Cột mốc sống” từ tinh thần trách nhiệm

Ngỏ ý muốn được cùng Trưởng bản Hồ Đua đi lên tuyến đường biên, cột mốc 576, nhưng ý định đó đã bị dập tắt. “Giờ này đi vào thì không thể được vì thời tiết không thuận, vào rồi trở ra không kịp trong ngày”. Không trọn vẹn như dự định, nhưng tôi được ở nửa ngày thật gần đường biên, cột mốc. Hòa mình vào những bản làng giáp biên để hiểu hơn về “thế trận lòng dân”. Lại được cùng với người Bru- Vân Kiều kiên trung nói chuyện về vùng đất phên dậu của Tổ quốc, để rồi tôi dám ví họ là những “cột mốc sống” trên tuyến đường biên.

 Tôi gặp Bí thư Chi bộ, Người có uy tín bản Trung Đoàn Hồ Đình. Trước khi trò chuyện, ông kiểm tra giấy tờ tôi với thái độ dò xét và đầy tính cảnh giác. Tôi hỏi “bồi” thêm như để minh chứng mình là “người thật, việc thật”, ông có nhận được Báo Dân tộc và Phát triển gửi về hàng kỳ không? Ông Hồ Đình giãn cơ, cười hiền rồi nói: Có, có mà, đọc xong tôi lại chuyền tay cho mọi người đọc. Cuộc gặp từ dò xét, cảnh giác, ông Đình chuyển dần sang trạng thái thân mật hơn.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cùng đồng bào đi tuần tra cột mốc 576
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cùng đồng bào đi tuần tra cột mốc 576

Nói về đường biên cột mốc, ông Hồ Đình như phấn khởi lên: Mình đã lên cột mốc ở xã (cột mốc quốc gia 576- pv) nhiều lần rồi. Khi thì đi cùng các đồng chí bộ đội Biên phòng Làng Ho. Khi cùng bà con dân bản đi nương đi rẫy qua, chúng mình cũng ghé chào cờ ở cột mốc.

Như ái ngại, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín Hồ Đình giải thích: Ở đây là khu vực biên giới, bà con cảnh giác lắm. Có người lạ vào bản là họ báo ngay. Tôi phải kiểm tra chú coi rõ trắng đen.

Rồi ông tâm sự: Trong các cuộc họp bản, tôi vẫn thường xuyên nhắc để bà con nhớ về vai trò của mình với từng tấc đất của Tổ quốc. Phải luôn cảnh giác với những người lạ có tư tưởng không tốt làm xáo trộn an ninh biên giới. Muốn nói bà con nghe, trước hết mình phải gương mẫu, con cháu trong nhà chấp hành tốt. Thực tế, bà con sống và gắn bó ở đây từ bao đời, đồng bào rất hiểu và chấp hành tốt.

Dưới những đỉnh núi vút tận mây xanh của dãy Trường Sơn, đường biên, cột mốc, những tấc đất phên dậu của Tổ quốc vẫn ngày đêm được đồng bào DTTS, những Người có uy tín bảo vệ yên bình. Gần 400 hộ dân người Bru- Vân Kiều ở 3 Hồ Rum, Trung Đoàn còn có bản Mít Cát trở thành những vành đai “thép”. Ông Hồ Đình, Hồ Đua, Hồ Giưn… là những “cột mốc sống” cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho bảo vệ trọn vẹn đường biên, cột mốc.