Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc (Bài 4)

Ngọc Thu - 20:18, 27/07/2022

Bằng những hành động, việc làm cụ thể, đội ngũ Người có uy tín không những là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân mà họ còn là sợi dây gắn kết bản làng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, buôn làng giàu đẹp.

Già H’blâm (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) sẵn sàng cùng bà con xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh vùng biên
Già H’blâm (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã tích cực vận động bà con xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh vùng biên

Hóa giải mâu thuẫn

Nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có trên 46% đồng bào DTTS, với 44 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na. Lực lượng Người có uy tín
 
trong đồng bào DTTS có vai trò, sức ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng các dân tộc nơi đây. Họ như cánh chim đầu đàn, gương mẫu, gắn kết dân làng đồng lòng vượt qua khó khăn, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Nhiều năm làm công tác xã hội, ông Siu Sum (xã Bar Măih, huyện Chư Sê), Trưởng ban Công tác Mặt trận, Người có uy tín làng Ó được người dân trong làng tin yêu, quý trọng. Tham gia công tác tại địa phương từ năm 1989 đến nay, đảm trách nhiều cương vị, dù ở lĩnh vực nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Siu Sum đã hóa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong làng và được người dân đồng thuận. Đơn cử như vụ tranh chấp khu đất trống sát nhau ở vườn cà phê của ông Preng với gia đình ông Yuk. Giữa 2 khu vườn có 1 khoảng đất trống được xem như ranh giới hình thành từ thời ông bà, cha mẹ.

 Cuối năm 2020, cả 2 gia đình đều dành khoảng đất trống về mình để trồng thêm 1 hàng cà phê. Không ai nhường ai dẫn đến lời qua tiếng lại, thậm chí 2 bên còn kéo thêm người thân, họ hàng để gây áp lực cho nhau. Trước tình hình đó, ông Sum đã mời 2 gia đình cùng ngồi lại để nói chuyện và phân tích phải trái, quy định đất đai. Cuối cùng, cả 2 đều thống nhất theo phương án chia đôi và vui vẻ bắt tay làm hòa, mâu thuẫn giữa hai gia đình được hóa giải, tình anh em gắn bó trở lại.

Ông Sum chia sẻ: “Được bà con trong làng tin tưởng, tín nhiệm bầu là Người có uy tín của làng, mỗi khi người dân trong làng có chuyện, họ tìm đến tôi. Từ những phân tích hợp tình, hợp lý tôi đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, mâu thuẫn, không để xảy ra mất đoàn kết trong Nhân dân. Bà con ngày càng hiểu nhau, giúp đỡ nhau làm ăn, xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân làng Ó mà các xã khác khi có vụ việc phức tạp xảy ra cũng nhờ ông tư vấn, đến giải quyết.

Tương tự, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng già Y Yơh Kbuôr ở buôn K’mrơng Prong A, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn nhanh nhẹ, tinh trí và tâm huyết nên vẫn được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín. Ông được ví như “trung tâm đoàn kết” của buôn K’mrơng Prong A.

Để làm gương cho dân làng noi theo, già luôn tiên phong trong các phong trào, các cuộc vận động; nhanh nhạy nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục con cháu trong gia đình học hỏi nâng cao nhận thức.

Bằng sự tận tâm và cách giải quyết sự việc thấu tình đạt lý, già Y Yơh luôn được bà con tín nhiệm, mỗi khi có chuyện họ lại tìm đến ông để bộc bạch như tìm đến một địa chỉ tin cậy, một điểm tựa tinh thần.

Già Y Yơh chia sẻ: mấy chục năm làm công tác dân vận, già đã hóa giải nhiều mẫu thuẫn trong buôn, trong gia đình, dòng họ thắt chặt tình đoàn kết buôn làng. Điển hình chuyện vợ chồng chị H’Buăn ở buôn K’mrơng Prong A chung sống với nhau hơn chục năm, 4 người con chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ. 

Tuy nhiên, người chồng suốt ngày say rượu gây gổ đánh đạp vợ, người thân họ hàng khuyên nhủ không được. Già mời cả hai vợ chồng đến phân tích đúng sai, động viên, khuyên giải, yêu cầu ông chồng viết cam kết, già phải đứng ra bảo lãnh. Những khúc mắc bấy lâu được giải tỏa, vợ chồng H’Buăn đoàn tụ, hòa thuận với nhau, cùng nhau làm việc nuôi con ăn học, từ đó đến nay không còn tiếng ồn ào cãi vã gì nữa.

Người có uy tín ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thường xuyên cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong cộng đồng
Người có uy tín ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thường xuyên cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong cộng đồng

Gắn kết cộng đồng

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông và Lâm Đồng, với 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn vùng có hơn 3.300 Người có uy tín. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk 967 người, Gia Lai 955 người, Kon Tum 615 người, Đắk Nông 300 người và Lâm Đồng 479 người. Có người là thôn trưởng, già làng, có người là cán bộ, trí thức, chức sắc tôn giáo... nhưng tất cả đều có tầm ảnh hưởng lớn người dân, là trung tâm đoàn kết cộng đồng. Do vậy, việc kế thừa, phát huy vai trò của nhóm xã hội đặc thù này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn, duy trì phong tục tập quán, văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại Tây Nguyên.

Ông Phạm Văn Bình,Trưởng ban phong trào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết ở thôn làng, khu dân cư. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, họ đã góp phần giúp công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. 

Đồng thời, trực tiếp tham gia hỗ trợ tư vấn và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Nhờ vậy nhiều năm qua, các vụ vi phạm pháp luật tại các thôn làng được kiềm giảm, bà con đoàn kết một lòng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. Hàng năm, tỉnh Gia Lai có các chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những Người có uy tín tiêu biểu và động viên họ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng thôn làng.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời, phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng. Trong ảnh: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (thứ hai từ trái sang) động viên Người có uy tín tỉnh Gia Lai
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời, phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng. Trong ảnh: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ, thăm hỏi, động viên Người có uy tín tỉnh Gia Lai

Nhiều năm qua, Người có uy tín giữ vai trò đầu tàu cho mọi hoạt động trong cộng đồng DTTS. Trên khắp bản làng vùng DTTS và miền núi, Người có uy tín là gương sáng, tiêu biểu được người dân tôn kính.

Ở huyện Sa Thầy (Kom Tum), khi nói về ông A In, Trưởng thôn làng Kleng,  thị trấn Sa Thầy, thì bà con dân làng ai cũng tự hào và nể phục về một con người luôn tận tụy, hết lòng vì dân làng.

Là Người có uy tín trong làng, ông A In luôn suy nghĩ, làm thế nào để người dân trong làng có được cuộc sống ổn định, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; làm sao để chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, dân làng có con đường đẹp để đi lại, nuôi được con heo, con bò, trồng được lúa nước, cao su, bời lời, mì để bán kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình và vươn lên làm giàu…

Khi trong thôn xảy ra những vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ, ông A In phối hợp cùng các đoàn thể gặp gỡ từng hộ để lắng nghe ý kiến, từ đó cùng các gia đình xác định làm rõ mốc giới, rồi trò chuyện, vận động các gia đình không vì một ít đất mà mất đi tình làng nghĩa xóm.  Đối với những hộ chưa đồng tình bàn giao mặt bằng để làm đường, xây trường học, ông A In đã chủ động đến từng nhà vận động, giải thích để mọi người hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt của gia đình mà bỏ đi cái lợi lớn lâu dài, cái lợi cho thôn làng, cho con cháu sau này…

Mưa dầm thấm lâu, người dân trong làng Kleng hiểu và đồng tình ủng hộ, thậm chí có người còn hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng trường học tại làng. Đến nay, các công trình đã xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng. Lợi ích thực sự đã mang lại cho mọi người và cũng mang lại niềm vui, tình đoàn kết trong làng ngày càng thắt chặt, gắn bó hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông A In cho biết: Muốn được bà con dân làng tiếp cận các thông tin mà mình tuyên truyền, thì mình phải giải thích những cái lợi, cái không lợi để người dân hiểu. Bên cạnh đó, mình cũng phải biết chọn thời điểm phù hợp để tuyên truyền và phải nghiên cứu, hiểu biết pháp luật để không nói sai với chủ trương. Quan trọng nhất là bản thân và gia đình phải đi đầu, làm gương để dân làng thấy, tin, học tập và làm theo.

Người có uy tín xã Glar, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia lai) tích cực tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Người có uy tín xã Glar, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia lai) tích cực tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Khẳng định thêm về vai trò của Người uy tín, ông Đinh Quốc Tuấn,Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chia sẻ: Người có uy tín có vai trò quan trọng trong cộng đồng các DTTS. Khi họ nói dân làng nghe, làm dân làng làm theo. Bao năm qua, lực lượng Người có uy tín cũng đã thể hiện được vai trò cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân; tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương, tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Quang, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thì, nhìn từ thực tế, chính sách cho Người uy tín cũng còn hạn hẹp, chưa tương xứng. Việc phân cấp quản lý, phân công vận động Người có uy tín phát huy vai trò còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan mặt trận, dân vận, dân tộc… dẫn đến trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng Người có uy tín cần vận động, tranh thủ; thiếu quy chế phối hợp giữa Người có uy tín với cấp ủy, trưởng thôn, ban công tác mặt trận và tổ chức đoàn thể...

 "Do đó, đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng, và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp lửa”, để đội ngũ này phát huy tốt hơn “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển của buôn làng, địa phương", ông Hà Huy Quang nhìn nhận.