Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều gia đình dân tộc Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) xin thoát nghèo

Tào Đạt - Hà Linh - 09:10, 18/11/2023

Những năm gần đây, chuyện về những gia đình đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo không còn là mới. Tuy nhiên, với đồng bào Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang), sinh sống ở địa bàn khó khăn, khắc nghiệt, thổ nhưỡng thì toàn là núi đá...thì việc các hộ xin thoát nghèo thật đáng trân trọng. Điều này còn chứng minh, chính sách của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Nhờ có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhiều hộ gia đình đã đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình
Nhờ có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhiều hộ gia đình đã đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình

"Không muốn phải làm hộ nghèo nữa"

Hăm hở chạy ra đón chúng tôi từ đầu thôn Khuổi Luôn, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc,  anh Sùng Mí Sính (sinh năm 1984, dân tộc Mông) dẫn chúng tôi về thăm căn nhà gỗ 3 gian của gia đình và khoe việc anh vừa viết đơn xin thoát nghèo. Đây là một quyết định trọng đại của đối với một gia đình đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao như anh Sính.

Chia sẻ về câu chuyện của bản thân, anh Sính cho biết lập gia đình từ năm 2007, được bố mẹ cho ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, cũng từ khi đó gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Hơn 15 năm trong diện hộ nghèo, gia đình anh đã được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước từ vay vốn làm ăn, đến con cái đi học. Đến nay, con trai lớn của anh cũng đã học lớp 10. Kinh tế gia đình anh cũng đã khá hơn nhiều.

“Trước đây khó khăn lại có 3 con nhỏ, gia đình nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bây giờ con cái đã lớn hơn, vợ chồng tôi còn khỏe; làm nương, chăn nuôi bò, lợn cũng đủ để sinh sống và chăm sóc các con, nên vợ chồng tôi không muốn phải làm hộ nghèo nữa nên đã làm đơn xin thoát nghèo”, anh Sùng Mí Sính chia sẻ.

Trường hợp xin thoát nghèo khác ở xã Niêm Sơn, là ông Vàng Dũng Sính (60 tuổi). Gia đình ông Vàng Dũng Sính có 8 khẩu, trong đó, có 2 người con đang đi làm việc tại công ty may ở Bắc Giang, nhờ các nguồn thu từ làm nương, chăn nuôi, cùng với tiền các con gửi về thời gian gần đây nên đời sống của gia đình ông cũng ổn định.

“Tôi nghĩ gia đình mình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều rồi. Giờ đây cuộc sống gia đình đã khá hơn nên tôi để lại những chế độ, chính sách ấy cho hộ khó khăn khác”, ông Sùng Mí Sính bộc bạch, sau quyết định viết đơn xin thoát nghèo.

Ủng hộ hoàn toàn với quyết định của bố là ông Sùng Mí Sính, chị Vàng Thị Máy chia sẻ: “Được Đoàn xã, cấp ủy chính quyền địa phương hướng dẫn, giới thiệu việc làm, hai chị em tôi đã có công việc, với có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này tôi có thể tiết kiệm để gửi về hỗ trợ gia đình. Giờ đây, đời sống gia đình đã không còn khó khăn, nên tôi rất ủng hộ quyết định xin thoát nghèo”.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn của huyện vùng cao Mèo Vạc đã có nhiều đổi thay
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn của huyện vùng cao Mèo Vạc đã có nhiều đổi thay

Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để thoát nghèo bền vững

Theo thống kê của xã Niêm Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2023, địa phương có 4 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đáng nói ở đây, các hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng cao biên giới xin thoát nghèo, không phải vì các hộ khá giả, mà họ đã có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn, cho biết, việc tự nguyện xin thoát nghèo chứng tỏ đồng bào đã có sự thay đổi lớn trong tư duy đến nhận thức. Đồng bào đã thoát ra khỏi tư tưởng trông đợi vào các chế độ chính sách của Nhà nước và thực sự có ý chí trong việc làm ăn.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tính đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo, là đồng bào không có đất, không có vốn, kinh doanh, không có công cụ, phương tiện hỗ trợ sản xuất…

Trong năm 2023, huyện Mèo Vạc phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ 8,53%. Để thực hiện điều này, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đến người dân.

Theo đó, chính quyền huyện Mèo Vạc hướng dẫn người dân cách làm ăn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tư vấn học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ cải thiện nhà ở; giúp đỡ các hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội  công...

"Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong mỗi người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Ngô Mạnh Cường cho hay.

Đồng thời, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được địa phương tập trung triển khai, bộ mặt của huyện Mèo Vạc có nhiều đổi thay rõ rệt. Cụ thể, từ nguồn vốn của Chương trình, huyện Mèo Vạc đã triển khai đầu tư xây dựng 24 công trình gồm: đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa. Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 08 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ.