Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín – Trụ cột trong tuyên truyền, vận động đồng bào

Đỗ Long- Thanh Liêm - 08:22, 12/11/2023

Từ lâu Già làng, Người có uy tín ở tỉnh Bình Phước là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Họ là trụ cột trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào và đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào các DTTS trong tỉnh. Bình Phước hiện có hơn 1 triệu người, trong đó DTTS chiếm 19,67%, với 41 dân tộc anh em đang chung sống. Do đó, phát huy tốt vai trò của đội ngũ Người có uy tín là rất quan trọng.

 Ông Điểu Va, 67 tuổi, dân tộc S'tiêng, Người có uy tín ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đến buôn làng thăm hỏi đời sống, lao động của bà con.
Ông Điểu Va, 67 tuổi, dân tộc S'tiêng, Người có uy tín ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đến buôn làng thăm hỏi đời sống, lao động của bà con.

Vai trò GIà Làng, Người có uy tín trong bảo vệ biên giới

Xã biên giới Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có tỷ lệ người DTTS cao, chủ yếu là người dân tộc Khmer. Từ lâu, vai trò của Gìa làng, Người có uy tín nơi đây được phát huy hiệu quả. Ông Lâm Đây, Người có uy tín, Bí thư Chi bộ ấp Ba Ven và ông Lâm Hay, Người có uy tín ấp Chàng Hai của xã Lộc Khánh là những điển hình, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. 

Để giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, các ông Lâm Đây, Lâm Hay đã trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các nguồn hỗ trợ hiệu quả. Song song đó, vận động Nhân nhân tích cực hiến đất, cây trồng và đóng góp công sức cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới. 

Một minh chứng là, bao đời nay phong tục của người DTTS là chăn nuôi thả rông và thường nhốt, cột đàn gia súc xung quanh nhà gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khu dân cư. Thực hiện chủ trương của địa phương, ông Lâm Đây và ông Lâm Hay đã vận động 100% hộ dân đưa đàn trâu, bò ra địa điểm nuôi nhốt tập trung hoặc xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xã Lộc Khánh hoàn thành cán đích nông thôn mới năm 2021 và đang từng bước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao thời gian tới.

Tỉnh Bình Phước có 3 huyện biên giới là Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập với 124 thôn, ấp/15 xã biên giới. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát huy tốt vai trò của Già làng, Người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Họ luôn gương mẫu tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân, con cháu, người thân trong gia đình, dòng tộc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Từ đó người DTTS vùng biên đã tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc và đấu tranh tố giác tội phạm để giữ gìn an ninh, trật tự tuyến biên giới. 

Từ năm 2018 đến nay đã có 33 tập thể, 207 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc với chiều dài hơn 258km. Bình Phước là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hoàn thành phân giới cắm mốc với 29 cột mốc chính và 353 cột mốc phụ. Để bảo vệ thành quả quan trọng này, những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh đã vận động Nhân dân, trong đó nòng cốt là Già làng, Người có uy tín tham gia tuần tra bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới. Và mỗi người dân khu vực biên giới đã thực sự trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương, đan kết thành “phên giậu” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ông Lâm Hay (thứ 2 từ phải sang), Người có uy tín ấp Chàng Hai, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đi tuyên truyền bà con di dời chuồng trại gia súc ra kkhỏi nhà ở.
Ông Lâm Hay (thứ 2 từ phải sang), Người có uy tín ấp Chàng Hai, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đi tuyên truyền bà con di dời chuồng trại gia súc ra kkhỏi nhà ở.

Cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước

Theo UBND tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh hiện có 345 Người có uy tín và 96 Già làng. Đây là những người được thụ hưởng chính sách đặc thù của tỉnh nên thường xuyên được cấp phát các ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền, cập nhật kiến thức về dân tộc, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đội ngũ Già làng, Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Già làng, Người có uy tín là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa, biên giới khó khăn. Nhờ tính tiên phong gương mẫu của Già làng, Người có uy tín ở khu dân cư mà bà con các DTTS đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Trong tuyên truyền, vận động bà con không bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất, đồng bào DTTS ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, kể về ông Điểu Va, 67 tuổi, Người có uy tín, dân tộc S’tiêng, như là người đi đầu trong vận động bà con ở khu dân cư tránh xa vấn nạn này. Bà con gọi ông bằng cái tên thân mật: Già Va. Tự bản thân phải thay đổi suy nghĩ, các hủ tục lạc hậu của dân tộc mình để có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của bà con mình nhằm có cuộc sống no đủ, hạnh phúc - đó là cách nghĩ, cách làm của Già Va. 

Những năm trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc S’tiêng trong vùng nghe theo kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố đất để có tiền tiêu xài. Tài sản cứ không cánh mà bay. “Nhà Điểu Sơn trong sóc bán non 3ha điều trong 3 năm với giá chỉ 30 triệu đồng để... mua xe máy chạy và lấy tiền tiêu xài trong khi thu hoạch một mùa cũng đã có hơn 30 triệu đồng. Tôi nói Điểu Sơn trả lại nửa tiền cho người ta rồi lấy vườn điều về nhưng họ không chịu vì đã viết bán vào giấy cho người ta rồi. Tôi đứng ra thuyết phục suốt, họ thu thêm một mùa nữa rồi trả lại vườn điều cho nó”, Già Va kể. Ông đã vận động hàng chục hộ trong sóc thoát cảnh cầm cố tài sản, bán đất...

Nhờ vận động, người đồng bào DTTS ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã có thói quen nuôi trâu khu vực tập trung, xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhờ vận động, người đồng bào DTTS ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã có thói quen nuôi trâu khu vực tập trung, xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Suốt 43 năm công tác trong ngành Công an, ông Điểu Mun (mọi người quen gọi là ông Ba Mun), dân tộc S’tiêng, 73 tuổi, Người có uy tín ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, nguyên Trưởng Công an huyện Phước Long, tỉnh Bình Phướcđ ược xem là người tiên phong trong tuyên tuyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

 Ông Ba Mun cho biết, ông sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là nhiều gia đình phải bán ruộng, nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Mặc dù không khá giả gì nhưng trước đây có những đám cưới tốn đến hơn 100 triệu đồng, ăn nhậu ròng rã mấy ngày. Đám cưới kết thúc là nảy sinh nợ nần chồng chất. Thấy vậy tôi đến tận nhà hay tổ chức họp buôn làng để tuyên truyền, vận động bà con không nên hoang phí vô ích thế. Làm riết làm riết nên nay đã giảm nhiều, chỉ còn số ít gia đình ngang bướng không chịu nghe góp ý. Nhưng tôi sẽ tiếp tục để xóa vấn nạn này”, ông Ba Mun nói. 

Quyết tâm thay đổi hủ tục lạc hậu, ông Ba Mun đến từng nhà vận động để thuyết phục bà con thực hiện nếp sống mới. Cứ như vậy, ông kiên trì với cách làm của mình, lần đầu không nghe ông đến tiếp lần hai, lần ba. Trong các buổi họp thôn, dịp lễ, tết gặp mặt đông đủ bà con, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu. Năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng đồng bào khắp nơi ông đến đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây. Nhờ đó, đời sống của bà con dần ổn định và phát triển.