Nhiều địa bàn vẫn “trắng” điện lưới
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, ngày 29/5/2024, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là kết quả cấp điện cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, chương trình cấp điện về nông thôn, miền núi đã đạt được một số kết quả tích cực; tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa nông thôn, miền núi.
Có điện, các phương tiện nghe, nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến đã cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí; đem lại những lợi ích cơ bản, lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới bền vững".
ĐBQH Đoàn Thị Lê An
Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, việc cấp điện nông thôn, miền núi không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các địa bàn khó khăn; giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông, lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực; bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi”, đại biểu An đề nghị.
Cùng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) thông tin, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn 22 bản chưa có điện; tập trung ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Do không có điện nên trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa qua, nhiều người là nhân chứng sống của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã không có điều kiện để theo dõi qua sóng truyền hình trực tiếp.
“Năm 2025 kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cử tri kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư để người dân những vùng chưa có điện có thể theo dõi truyền hình trực tiếp sự kiện trọng đại của đất nước”, đại biểu Khánh đề nghị.
Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi các ĐBQH tại kỳ họp thứ 7, hiện cả nước vẫn còn 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo đường điện trên địa bàn 3.000 xã (trong đó có 1.075 xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn). Để “phủ sóng” điện lưới quốc gia ở các địa bàn này thì nhu cầu kinh phí đầu tư khoảng trên 29.000 tỷ đồng.
Nhưng đây là số liệu chung của cả nước, chưa phân tách thực trạng tiếp cận điện lưới ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, số liệu về thực trạng tiếp cận điện từ cuộc điều tra thu thông thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV (tiến hành sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV) sau khi được Tổng cục Thống kê tổng hợp; Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành phân tích sẽ cung cấp cho các ĐBQH cơ sở thực tiễn để thảo luận trên nghị trường tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2025.
Số liệu đúng thì mục tiêu mới đạt
Trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phe duyệt tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022, Chính phủ quyết nghị đến năm 2025, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Để đạt mục tiêu này thì phải có số liệu chính xác từ việc rà soát, điều tra số liệu về thực trạng tiếp cận điện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, hiện số liệu về số hộ DTTS, địa bàn vùng đồng bào DTTS chưa có điện (bao gồm điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác) vẫn còn khập khiễng.
Đơn cử Cao Bằng, theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh, tính đến hết quý II/2024, toàn tỉnh vẫn còn 83 thôn, với trên 6.700 hộ (chiếm tỷ lệ 4,96% tổng số hộ toàn tỉnh) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trước đó, tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III cho thấy, trong tổng số 2.483 thôn của tỉnh Cao Bằng thì có 2.290 có điện (trong đó có 2.087 thôn có điện lưới quốc gia, 203 thôn sử dụng các nguồn điện khác) và còn 193 chưa có điện.
Như vậy, sau gần 05 năm, Cao Bằng đã nỗ lực cấp điện cho được 110 thôn, hiện chỉ còn 83 thôn chưa được tiếp cận điện lưới. Nhưng số liệu này cần phải được xem xét, rà soát lại; bởi phải tính đến công tác sáp nhập đơn vị hành chính cấp thôn của tỉnh Cao Bằng từ năm 2019 đến nay.
Theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 09/9/2019 của HĐND tỉnh Cao Bằng về sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa bàn, toàn tỉnh tiến hành sáp nhập 1.870 xóm, tổ dân phố để thành lập 845 xóm, tổ dân phố mới, tương đương giảm 50% số đơn vị hành chính cấp thôn.
Theo Tờ trình số 3462/TTr-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công thương, nếu được kéo dài thời gian thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo thì đến năm 2025, ngành Điện lực sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn, bản trên địa bàn 2.197 xã.
Trong đó, huyện Bảo Lâm Sáp nhập 84 xóm để thành lập 41 xóm mới; huyện Bảo Lạc sáp nhập 162 xóm, tổ dân phố để thành lập 79 xóm, tổ dân phố mới.
Đây là 02 địa phương có số hộ và địa bàn chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia nhiều nhất của tỉnh Cao Bằng hiện nay.
Từ thực tế của tỉnh Cao Bằng, nhìn rộng ra cả nước thì số liệu về thực trạng điện hiện nay cần được rà soát, thu thập kỹ lưỡng lại. Sự khập khiễng trong số liệu về thực trạng tiếp cận điện hiện hữu ngay trong thống kê của các cơ quan liên quan.
Theo báo cáo tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 của Bộ Công thương, tính đến ngày 31/12/2019, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.
Nhưng theo số liệu trong cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,9% (2,5% hộ sử dụng nguồn điện khác); còn 3,6% hộ DTTS chưa được tiếp cận điện, phỉa sử dụng dầu hỏa và các nguồn nhiên liệu khác để thắp sáng.
Còn theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại thời điểm tháng 6/2019, cả nước có 99,47% được tiếp cận điện lưới (tương ứng 27,41 triệu hộ; trong đó, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ.
Cùng trong một thời điểm (năm 2019), nhưng số liệu về thực trạng tiếp cận điện của 03 cơ quan, đơn vị lại không có sự thống nhất. Vậy số liệu nào mới thực sự phản ánh đúng thực trạng tiếp cận điện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay?
Để trả lời câu hỏi này, đòi hỏi phải có sự phối hợp trong quá trình điều tra, rà soát cũng như phân tích các số liệu thu thập được về thực trạng tiếp cận điện lưới hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này rất cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2021, Chính phủ và Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo triển khai, nhưng đến nay chưa cân đối được kinh phí đầu tư.
Do đó, hiện vẫn chưa thực hiện được đề xuất của Bộ Công thương tại Tờ trình số 3462/TTr-BCT ngày 15/6/2021 về việc kéo dài thời gian thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2025. Thời gian thực hiện chỉ còn 01 năm, trong khi đây là dự án cần nguồn đầu tư lớn, do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần có lộ trình, thứ tự ưu tiên thực hiện.