Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhà sàn truyền thống của người Hrê trước nguy cơ mai một

Tiêu Dao - 10:26, 20/03/2023

Nhà sàn truyền thống là một phần bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hrê tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.Thế nhưng vài năm gần đây, do tác động của một số nguyên nhân, đồng bào Hrê đang có xu hướng thoát ly dần với những cái nhà sàn truyền thống khiến nguy cơ mai một bản sắc văn hóa ngày càng hiện hữu.

Lãnh đạo huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) kiểm tra tình trạng xuống cấp tại Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng.
Lãnh đạo huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) kiểm tra tình trạng xuống cấp tại Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng

Nguy cơ mai một đã hiện rõ

Già làng Phạm Văn Truyền ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chia sẻ, nhà sàn dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Hrê. Qua kiến trúc nhà ở, người ta có thể nhận biết được điều kiện kinh tế, cuộc sống của gia đình đó. Xưa kia, những nhà giàu thường làm nhà sàn dài hàng chục mét, có nhiều bếp để các cặp vợ chồng, con cái sinh hoạt, nấu nướng... (có khi ở chung nhà nhưng ăn riêng).

Nét độc đáo trong kết cấu kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Hrê là cách thức buộc mây để liên kết các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà. Trên mái nhà của người Hrê còn có biểu tượng hai cặp sừng trâu bằng rơm. Ngôi nhà sàn là một di sản văn hóa vật thể của người Hrê, hầu hết các sinh hoạt văn hóa của đồng bào đều diễn ra trong nhà sàn hoặc trong làng. Đó là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đâm trâu, hội mùa, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, kể chuyện cổ, hát những làn điệu dân ca: Ca lêu, ca choi, nơi túc chinh, nhảy múa...

Hiện tại, huyện Ba Tơ vẫn còn một số làng bảo tồn nguyên vẹn được nhiều nếp nhà sàn truyền thống như làng Zút 1 (xã Ba Nam), thôn Nước Lá (xã Ba Vinh). Tại khuôn viên Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đang bảo tồn nguyên trạng một nếp nhà sàn truyền thống của người Hrê. Những hình ảnh về kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào DTTS trong tỉnh cũng đang được lưu giữ tại Bảo tàng này.

Để làm được ngôi nhà sàn truyền thồng, bà con phải chuẩn bị vật liệu nhiều năm trời. Bắt đầu là chuẩn bị cây để làm cột nhà, cây làm đòn tay, đòn dông, nứa, lồ ô hay ván để lót sàn, rồi dây mây, dây rừng để buộc...

Bên cạnh chuẩn bị vật liệu, bà con còn phải chuẩn bị lương thực như lúa, gạo, thịt, củ mì (sắn) làm rượu cần để ngày dựng nhà, người làng có cái ăn, thức uống... Vì vậy, dẫu cho người làng thương nhớ cái nhà sàn truyền thống lắm nhưng cũng khó phục dựng, vì không có đủ điều kiện.

Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng, xã Ba Thành xuống cấp trầm trọng. Các vách ngăn, sàn nhà bằng tre, nứa của 3 nhà sàn truyền thống hầu hết đã bị mục.
Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng, xã Ba Thành xuống cấp trầm trọng. Các vách ngăn, sàn nhà bằng tre, nứa của 3 nhà sàn truyền thống hầu hết đã bị mục

Bảo tồn bằng cách nào?

Năm 2018, thông qua Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng (xã Ba Thành), tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 10,5 tỷ đồng để triển khai xây dựng 3 ngôi nhà sàn truyền thống của người Hrê cùng các công trình phụ trợ như: Chòi lúa, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà... Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào sử dụng, hiện nay những ngôi nhà này đang xuống cấp trầm trọng. Hệ thống mái lợp bằng tranh của 3 nhà sàn truyền thống, chòi lúa, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà đã bị dột nát. Các vách ngăn, sàn nhà bằng tre, nứa của 3 ngôi nhà sàn cũng đã bị mục. Một số trụ, đà ngang trong 2 nhà sàn đã bị mối ăn, hư hỏng. Khu bảo tồn chưa có cổng ngõ, hệ thống hàng rào tạm bợ nên bị trâu, bò vào giẫm phá, gây mất mỹ quan.

Trước thực tế này, lãnh đạo huyện Ba Tơ đã chỉ đạo địa phương tạm dừng các hoạt động tại đây. Đồng thời xây dựng phương án và dự trù kinh phí xây dựng tường rào và cổng để UBND huyện xem xét hỗ trợ kinh phí cải tạo, sửa chữa. Từ đó sớm đưa các hoạt động sinh hoạt văn hóa trở lại cho người dân và du khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân.

Hơn chục năm trở lại đây, nhà sàn dài cổ truyền của người Hrê đang vắng bóng dần tại nhiều làng thuộc các huyện miền núi như: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi), An Lão (Bình Định) hay Kon Plông (Kon Tum). Đồng bào dân tộc Hrê đang có xu hướng thoát ly dần với những ngôi nhà sàn truyền thống để chuyển sang ở nhà gạch, nhà trệt như người Kinh.

Ngay cả làng Teng (xã Ba Thành) ngôi làng còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa cổ truyền cũng gần như “ngói hóa”. Anh Phạm Văn Sây, Trưởng làng Teng chia sẻ, để phục dựng lại ngôi nhà nem (nhà truyền thống) là khó lắm. Những cột sàn, cột vách, kèo, trính theo truyền thống đều sử dụng các loại gỗ rắn chắc như gỗ trắc, gỗ ké... Những loại gỗ ấy bây giờ hiếm lắm, trong khi cây gỗ trong rừng phải bảo vệ, người dân không được tự ý khai thác.

Nhiều nhà sàn của người Hrê đã “ngói hóa”.
Nhiều nhà sàn của người Hrê đã “ngói hóa”

Những người già Hrê trăn trở rằng, một số nơi làm nhà truyền thống nhưng đổ cột bằng bê tông cốt thép, sàn cũng đổ bằng bê tông, không có gỗ làm ván nhà nên cũng dùng nhiều vật liệu công nghiệp khác, mái lợp ngói thay cho tranh. Cái nhà ấy mang dáng nhà truyền thống nhưng lại chẳng “truyền thống” nữa. Ngay cả nhiều ngôi nhà cộng đồng - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng được thiết kế xây dựng theo mẫu nhà sàn hiện đại, sử dụng vật liệu là bê tông cốt thép. Cái nhà như thế không thuận mắt và cũng nhiều phần xa lạ với truyền thống của người Hrê.

Ngôi nhà sàn cổ truyền là một không gian tồn tại chính yếu của văn hóa dân tộc. Một dân tộc không còn duy trì được ngôi nhà truyền thống của mình thì phần hao hụt tài sản văn hóa dân tộc trong đó không phải nhỏ. Bởi vậy, cần có giải pháp kịp thời để giúp đồng bào Hrê bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.