Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngày Xuân, chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày

Hồng Vân - 07:29, 05/02/2022

Đầu Xuân 2022, tiết trời ấm áp, nắng vàng nhạt tạo động lực cho chúng tôi về nơi vùng cao, xa xôi nhất huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong không khí Xuân, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày cũng trở nên thơ mộng.

Ngôi nhà Sàn mới xây dựng ở xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Ngôi nhà Sàn mới xây dựng ở xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Chạy xe từ Tỉnh lộ 263 vào đến xã Phúc Lương, cứ độ vài trăm mét, chúng tôi lại trông thấy thấp thoáng bóng nhà sàn nằm dưới những chân đồi hay sau nương chè xanh ngát. Phúc Lương hiện là địa phương có số lượng nhà sàn nhiều nhất huyện (hơn 50 nhà). Trong đó, nhiều gia đình còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống.

Về cơ bản, nhà sàn của người Tày ở Phúc Lương được làm tương đối cao, có kết cấu chắc chắn và được chia làm ba phần: Khu vực dưới sàn là nơi dành cho gia súc gia cầm, trên sàn là đồng bào ở, trên gác là nơi bảo quản lương thực.

Được xem là “xương sống” của ngôi nhà, khung nhà với bộ vì kèo, vì cột quyết định sự vững trãi và tạo nên hình dáng của ngôi nhà sàn. Các trụ cột nhà được kê đặt vuông góc với nền đất, ở một số nơi còn kè thêm đá xung quanh nền đất nhằm tránh bị lở, nhất là ở những vùng đồi núi.

Phên và vách của ngôi nhà sàn truyền thống chủ yếu được bưng (bịt kín) bằng tre, nứa hoặc ván gỗ. Sàn nhà thường được làm bằng thân cây mai hoặc ván gỗ. Cầu thang của ngôi nhà sàn được đặt ở ngay đầu hồi bên trái hoặc bên phải và có số bậc lẻ (7,9,11), mỗi bậc tượng trưng cho một “vía” của người phụ nữ Tày.

Khi đón khách quý, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời, khi khách lên cầu thang chủ nhà đi sau để bảo vệ và hướng dẫn cho khách.

Mặt bằng sinh hoạt trong nhà sàn của người Tày có kết cấu phát triển theo chiều ngang, thường có bốn phần rõ rệt: Nơi tiếp khách, đặt bàn thờ, nơi ngủ và không gian bếp.

Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với người Tày từ lúc sinh ra cho tới khi về với tổ tiên. Chính bởi vậy, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều người ở Phúc Lương vẫn gìn giữ nguyên vẹn nếp nhà sàn.

Có 3 thế hệ đang cùng sinh sống trong ngôi nhà sàn được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, bà Đào Thị Dung, ở xóm Thành Long, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trước kia, để chuần bị đủ nguyên liệu dựng nhà: Cột, ván, sàn, cọ..., người dân phải vào rừng sâu, lên núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt, nhiều năm tuổi. Thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm. Riêng phần mái, gia đình tôi đã chuẩn bị trên 5.000 tàu lá cọ để lợp, gần 10m3 gỗ dựng nhà. Công phu vậy nên ngôi nhà dù đã được dựng nhiều năm nhưng không hề mối mọt, hỏng hóc, mái cọ cũng phải trên 20 năm mới phải lợp lại.

Cách nhà bà Đào Thị Dung không xa là ngôi nhà sàn của ông Dương Công Vĩnh. Theo năm tháng, ngôi nhà sàn truyền thống với 3 gian, 2 trái vẫn đứng vững trãi trên mảnh đất của tổ tiên để lại. Với ông Vĩnh, ngôi nhà không chỉ là nơi sinh hoạt hàng ngày mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm, gìn giữ văn hóa và trao truyền cho thế hệ sau.

Ngôi nhà Sàn của gia đình ông Dương Công Vĩnh, xóm Thành Long, được dựng từ năm 1980
Ngôi nhà Sàn của gia đình ông Dương Công Vĩnh, xóm Thành Long, được dựng từ năm 1980

Ông Vĩnh cho hay: Ngôi nhà sàn thể hiện nếp sống, tập quán sinh hoạt của người Tày, đã in sâu trong tâm thức của chúng tôi. Với tôi, khi về già vẫn được được sống trong nhà sàn, ấm áp về Đông, mát mẻ về Hè, nhìn ra bốn bề phong quang, thoáng đãng là điều tuyệt vời nhất.

Bên cạnh những ngôi nhà còn nguyên bản như nhà bà Dung, ông Vĩnh, những năm gần đây, một số ngôi nhà sàn ở Phúc Lương đã có chút thay đổi về cấu trúc, nguyên vật liệu để phù hợp hơn với nhu cầu cũng như điều kiện sống của người dân.

Đơn cử như mái nhà lợp bằng cọ trước kia nay được thay thế bằng mái ngói, tôn. Gia súc, gia cầm cũng không còn được đồng bào nhốt dưới gầm sàn nữa. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã xây dựng thêm nhà phụ liền kề với nhà sàn để làm bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Các cột trụ được thay thế một phần hay toàn bộ bằng cột bê tông khi nguồn nguyên vật liệu là gỗ lớn, tre, nứa, mai không còn nhiều…

Ông Tống Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương cho biết: Trải qua hàng trăm năm sinh sống, đồng bào Tày ở Phúc Lương đã tạo dựng một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và lưu truyền cho tới ngày nay. Trong đó, nhà sàn của người Tày có vị trí đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng. Hiện nay, các nguyên vật liệu cần để dựng nhà sàn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, do vậy, người dân có xu hướng xây mới, sửa chữa nhà bằng những vật liệu đơn giản hơn. Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn có tâm lý gắn bó và lưu giữ nguyên vẹn hình dáng, kết cấu nhà sàn xưa. Điều này rất đáng quý và chúng tôi luôn khuyến khích nhân dân tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Không khí đón Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần đã được đồng bào Tày nơi đây chuẩn bị tươm tất về vật chất cùng với tinh thần. Những cành đào của núi rừng nở rộ bên nếp nhà sàn như góp phần chấm phá cho bức tranh xuân thêm rực rỡ sắc màu.